Xu hướng giá dầu thế giới tuần qua gây áp lực lên kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Sau lần giảm trong kỳ điều hành ngày 21/3, giá xăng được dự báo có nguy cơ sẽ tăng trở lại vào ngày 1/4 tới.
Kết thúc tuần vừa qua, giá dầu Brent được giao dịch lên mức 120,7 USD/thùng và WTI lên 113,9 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent tăng hơn 11,5% và WTI tăng 8,8%, đánh dấu một tuần tăng của dầu, cắt đứt chuỗi giảm 2 tuần liên tiếp. Với sự thiếu hụt nguồn cung liên tiếp này, chuyên gia thế giới dự báo giá dầu tuần tới vẫn sẽ tăng.
Giá xăng lại sắp tăng trở lại?
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh 21/3,
- Mỗi lít xăng RON 95 giảm 630 đồng,
- Xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng.
- Sau giảm, giá xăng RON 95 vẫn là 29.192 đồng/lít,
- Xăng E5 RON 92 là 28.330 đồng/lít.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, sau kỳ điều chỉnh hôm 21/3, giá xăng thành phẩm RON 95 và RON 92 để pha chế xăng E5 RON 92 cũng có xu hướng đi lên so với kỳ trước. Cụ thể, xăng RON 95 có giá dao động 133,41 – 136,26 USD/thùng, còn RON 92 khoảng 129,46 – 132,31 USD/thùng.
Giá xăng, dầu sau kỳ điều hành ngày 21/3 là:
– Xăng E5RON92: không cao hơn 28.330 đồng/lít
– Xăng RON95-III: không cao hơn 29.192 đồng/lít
– Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 23.633 đồng/lít
– Dầu hỏa: không cao hơn 22.245 đồng/lít
– Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.423 đồng/kg
Ngay cuối kỳ điều chỉnh trước, Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới chu kỳ điều chỉnh trước là 121,9 USD/thùng xăng RON 92 và 125,8 USD/thùng xăng RON 95.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu cho biết, trong kỳ điều ngày 1/4 tới đây, giá xăng có thể sẽ tăng theo xu hướng tăng giá hiện nay trên thế giới. Theo tính toán, giá xăng trong nước lỗ khoảng 1.200 – 1.500 đồng mỗi lít, còn giá dầu thì có thể cao hơn mức 3.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, với quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 4 tới, xăng dầu sẽ hạ nhiệt hơn với mức giảm 1.100 – 2.200 đồng (bao gồm VAT) tùy loại. Người tiêu dùng có thể “thở phào” hơn khi xăng giảm áp lực tăng giá.
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy giá xăng dầu vẫn còn những biến động phức tạp. Vậy ở kịch bản giá vẫn còn tăng “nóng” thì việc điều hành giá mặt hàng này sẽ ra sao để giảm áp lực lên lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp?
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết trong bối cảnh này vẫn phải tính những kịch bản dài hơn khác. Cụ thể như ở kịch bản khi giá dầu biến động mạnh lên 130 USD/thùng, 150 USD/thùng thì Bộ Công Thương đề xuất đưa ra đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT… Ngoài ra, theo ông Đông, có tính đến các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu hay người sử dụng xăng dầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào yếu tố diễn biến giá thế giới, cùng đó là cách thức trích lập, chi quỹ bình ổn. Trong thời gian điều hành giá xăng dầu vừa qua, giá xăng dầu thế giới có lúc giảm về gần 100 USD/thùng, nhưng sau đó đã bật tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng.