Trong năm nay, giá xi măng đã có lần thứ 3 tăng. Lần này, các doanh nghiệp đã tăng từ 50 đến 140 nghìn đồng/tấn.
15 doanh nghiệp điều chỉnh giá xi măng
Từ giữa tháng 6, hàng loạt doanh nghiệp xi măng thông báo về việc tăng giá bán. Lần này, có khoảng 15 doanh nghiệp điều chỉnh về giá bán mặt hàng này.
Từ 22/6, Vicem Hải Vân điều chỉnh thêm 50.000 đồng/tấn với các loại xi măng bao và rời, xi măng Wallcem. Vicem Hải Vân cùng với Tân Quang – VVMI và Vicem Hoàng Thạch nằm trong nhóm các doanh nghiệp có mức điều chỉnh giá thấp nhất đợt này.
Trong khi đó, ở đợt điều chỉnh này, Norcem, Hạ Long, Cẩm Phả, Quang Sơn… tăng 70.000-100.000 đồng/tấn. Đặc biệt, Công Thanh miền Trung tăng tới 140.000 đồng/tấn với bao KPK 50KG PCB40 dân dụng và bao KPK 50KG PCB30.
Doanh nghiệp tăng giá xi măng cao nhất lần này cho biết, giá nguyên vật liệu đồng loạt tăng cao, nguồn than khan hiếm nên doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán sao cho “đảm bảo chi phí trong quá trình sản xuất và giữ vững chất lượng sản phẩm”.
Vicem Hoàng Mai cho hay, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hồi đầu tháng 6 đã tăng giá than thêm 15%. Giá xăng tăng liên tục cũng trở thành áp lực lớn. Dù đã tìm nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất và tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu nhưng doanh nghiệp không thể bù đắp.
Trong năm thì đây là lần điều chỉnh giá thứ 3 của các doanh nghiệp xi măng. Trước đó, hồi tháng 3, khoảng 13 doanh nghiệp xi măng tăng giá sản phẩm. Nửa cuối tháng 5, khoảng 10 đơn vị điều chỉnh giá xi măng. So với hai đợt trước, lần điều chỉnh này tăng hơn hẳn về số lượng doanh nghiệp.
Ngược lại, biên độ tăng lần này thấp hơn so với hồi tháng 3 và cao hơn so với lần điều chỉnh thời điểm tháng 5.
Nguyên vật liệu đầu vào – sức ép lớn của các doanh nghiệp xi măng
Theo Hiệp hội Xi măng (VNCA), giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế. Than vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Trong khi đó, gần 2/3 lượng than phải nhập khẩu.
Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bị bào mòn bởi gánh nặng giá nguyên liệu đầu vào. Lợi nhuận sau thuế của Vicem Hà Tiên trong đầu năm giảm gần 3/4 so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh của Vicem Thạch cao Xi măng, Vicem Hải Vân, Vicem Hoàng Mai… cũng trong cảnh không thuận lợi.
Giá xi măng tăng khiến ngành xây dựng tiếp tục gặp khó theo đà tăng giá xi măng.
Hiệp hội Xi măng (VNCA) cho rằng, có thể sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại nếu như giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh và các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, nhiều khả năng, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất gặp áp lực lớn do cạnh tranh lớn và áp lực từ giá đầu vào.