Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 được Văn phòng Chính phủ yêu cầu trong Công điện 7776/CĐ-VPCP ngày 25/10/2021 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đánh giá, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế – xã hội từ nay đến cuối năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Ước đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%).
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, số 45/NQ-CP ngày 05/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 05/10/2021 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong những tháng cuối năm 2021.
Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại bộ, cơ quan, địa phương mình; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí.
Mới đây, ông Rahul Kitchlu, Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam đánh giá, trong quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid -19, đầu tư công cần đóng vai trò trọng tâm. Đây là thời điểm cũng như cơ hội quan trọng để thực sự xem xét các nút thắt hiện có, làm thế nào để khắc phục chúng và đẩy nhanh dòng tiền giải ngân cho nền kinh tế.
Theo ông Rahul Kitchlu, một trong những giải pháp là cần cải thiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành công việc từ nay đến cuối năm. Quan trọng nhất là hoàn tất yêu cầu thanh toán và chuyển tiền kịp thời cho các nhà thầu và Chính phủ. Đây cần được xem là trọng tâm chiến lược trong ba tháng cuối năm và điều này có thể hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Nội dung quan trọng tiếp theo là xem xét các quy định, thủ tục của chương trình đầu tư công và đặc biệt là các chương trình ODA. Nhiều nội dung có thể cải thiện, ví dụ như triển khai khung ra quyết định dựa trên rủi ro. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, ngay cả một thay đổi nhỏ như gia hạn thêm một hai ngày thì vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có thể xem xét các trường hợp tương tự và áp dụng cơ chế ủy quyền phê duyệt cho các trường hợp này.