Trong thời gian vừa qua, ngành hàng không là một trong những ngành phải chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Ước tính trong năm 2020, doanh thu của ngành hàng không đã sụt giảm 100.000 tỷ đồng so với năm 2019 dẫn đến những khó khăn lớn về vốn. Vậy tình trạng hiện tại của ngành hàng không là gì? Giải pháp nào để tiếp cận các gói tín dụng hỗ trợ từ ngân hàng để vượt qua thời kỳ khó khăn này?
Thực trạng ngành Hàng không Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn ngành hàng không trên Thế giới. Ước tính trong năm 2020, toàn bộ ngành đã giảm 60% lượng khách vận chuyển, tương ứng 2,89 tỷ lượt hành khách. Tại Việt Nam thì con số doanh thu sụt giảm trong năm 2020 lên tới 100.000 tỷ đồng. Tính trong tháng 5 và tháng 6 năm 2021, doanh thu tiếp tục giảm tới 90% so với cùng kỳ của năm 2020.
Trước tình hình đó thì chính phủ đã ban hành một số gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không để hỗ trợ tức thời trước những khó khăn về nguồn vốn.
Trong gần 2 năm qua, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho doanh thu của hàng không Việt suy giảm mạnh. Trong năm 2020 doanh thu đã giảm 100.000 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2019, tương đương mức giảm trên 60%. Tổng mức lỗ của các doanh nghiệp hàng không trên mức 18.000 tỷ đồng. Trong đó 3 “ông lớn” là Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo lỗ trên 16.000 tỷ đồng.
Sang năm 2021, tình hình kinh doanh của các hãng hàng không tiếp tục gặp khó khăn. Đặc biệt do những ảnh hưởng kéo dài của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Chỉ riêng trong 2 tháng 5 và 6, mức doanh thu đã giảm tới 90% so với cùng kỳ năm 2020. Khó khăn càng nhiều khi hiện nay, tổng số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn của 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lên tới 36.000 tỷ đồng, trong đó riêng Vietnam Airlines chiếm tới 20.000 tỷ đồng.
Hỗ trợ vốn tín dụng cho hàng không Việt
Hiện nay chính phủ đã có nghị quyết 194 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines vì Covid-19. Gói “giải cứu” này trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi 0% và 8.000 tỷ đồng phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Đây là động thái hỗ trợ doanh nghiệp trên vai trò Nhà nước là chủ sở hữu khi nắm hơn 86% cổ phần tại Vietnam Airlines.
Với gói vay tái cấp vốn, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng. Sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của tổng công ty, số tiền vay để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines. Số tiền vay tối đa 4.000 tỷ đồng lãi suất 0%. Thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn cấp vốn tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không được muộn hơn ngày 31/12/2021.
Với gói 8.000 tỷ đồng được phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm này được chia cho các cổ đông hiện hữu. Trong đó với cổ đông Nhà nước, Chính phủ giao Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thực hiện mua số cổ phần thuộc quyền của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines, tương đương giá trị cổ phiếu khoảng 6.880 tỷ đồng.
Trước những tác động tốt từ gói “Hỗ trợ tín dụng” của Chính phủ cho Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác cũng đang đề xuất được hỗ trợ tiếp cận các gói tín dụng của ngân hàng. Trong đó Vietjet đề nghị được vay 4.000-5.000 tỷ đồng trong 3 năm từ 2021 – 2023 và hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay này. Bamboo Airway kiến nghị được hỗ trợ vay dài hạn các hãng ngân hàng thương mại 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hoặc được tiếp cận khoản vay ngắn hạn 5.000 tỷ đồng lãi suất 0% theo hình thức tái cấp vốn.