Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) vừa có công văn giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát. Cổ phiếu này bị đưa vào diện kiểm soát do lỗ hợp nhất trong các năm 2020, 2021 và quý 1/2022, vốn chủ sở hữu âm tại thời điểm 31/03/2022. Công ty đã đưa ra công văn giải trình lần đầu vào ngày 13/06/2022.
Điểm sáng trong BCTC quý 2/2022 là con số lỗ sau thuế của Vietnam Airlines đã giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty mẹ và Hợp nhất lần lượt giảm 44% và 43% so với cùng kỳ, chỉ còn lỗ lần lượt 2.243 tỷ đồng và 2.568 tỷ đồng. Vietnam Airlines cho rằng con số lỗ đang trong lộ trình giảm so với quý 1/2022.
Dù vậy, tính đến thời điểm 30/06/2022, Vietnam Airlines tiếp tục rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu tới hơn 4.900 tỷ đồng – cao hơn rất nhiều so với mức âm 2.787 tỷ đồng (thời điểm cuối quý 2/2021) trước khi Chính phủ đưa giải pháp cấp cứu tăng vốn.
Các giải pháp được đưa ra trong văn bản giải trình của Vietnam Airlines lần này tương tự như văn bản lần 1.
Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, cải thiện kết quả kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp. Tuy nhiên do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm một số yếu tố tiêu cực phát sinh như xung đột chiến tranh Nga – Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến khai thác quốc tế của Vietnam Airlines. Bên cạnh đó, rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất đều gia tăng, công ty này vẫn tiếp tục lỗ trong quý 2/2022 cũng như 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines tin tưởng theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước phục hồi, hoạt động SXKD sẽ tích cực hơn vào nửa cuối năm 2022 và năm 2023.
Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã được Đại hội cổ đông thông qua và đang trình cấp có thẩm quyền. Trong đề án này, năm 2022, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu:
(1) Cải thiện KQKD vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất để không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau
(2) Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Trong kế hoạch nêu lần 1, Vietnam Airlines cho biết sẽ bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ, thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính, thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.
(3) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong văn bản lần 1, Vietnam Airlines cho biết việc phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu dự kiến thực hiện vào năm 2023-2024.
Với việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, Vietnam Airlines phải được Chính phủ chấp thuận, thậm chí cần được Quốc hội thông qua giống như lần tăng vốn năm 2021. Với phương án tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cách làm trước đây là Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Năm 2021, Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ của hãng lên hơn 22.143 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng ký hợp đồng tín dụng theo diện tái cấp vốn với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.
Phương án khác để tăng vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là phát hành cổ phiếu ra công chúng. Việc này sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Vietnam Airlines mà không thông qua thoái vốn.