Sau khi được giải cứu thoát khỏi chuỗi ngày giảm sàn liên tục trong tình trạng “tắt” thanh khoản, những tưởng cổ phiếu NVL của Novaland có thể hồi phục mạnh sau khi đã giảm rất sâu chỉ trong một thời gian ngắn. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tề gang, những phiên giảm sàn liên tiếp một lần nữa quay trở lại sau đà tăng ngắn ngủi từ đáy, chỉ có điều thanh khoản đã cao hơn rất nhiều.
Theo thống kê, tuần vừa qua là giai đoạn giao dịch sôi động chưa từng có của cổ phiếu NVL với khối lượng khớp lệnh bình quân phiên lên đến hơn 52 triệu đơn vị, gấp 10 lần mức trung bình một năm trở lại đây. Con số này đưa NVL vượt mặt cả HPG của Hòa Phát và VND của VNDirect – 2 cổ phiếu quốc dân thường xuyên dẫn đầu sàn chứng khoán về thanh khoản.
Khối lượng khớp lệnh đột biến cũng kéo theo giá trị giao dịch tăng vọt. Từ sau khi hơn 3.000 tỷ đồng vào giải cứu bất thành ngày 22/11, các phiên khớp lệnh hàng nghìn tỷ đã không còn xa lạ trên cổ phiếu này. NVL còn là cổ phiếu duy nhất trên cả 3 sàn có giá trị khớp lệnh bình quân phiên hơn 1.000 tỷ đồng trong tuần vừa qua, vượt xa những cái tên còn lại.
Không chỉ kênh khớp lệnh, NVL còn liên tục xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn thời gian gần đây. Từ cuối tháng 11 đến nay, tổng cộng đã có hơn 137 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 7% lượng cổ phiếu lưu hành của Novaland được trao tay trong các giao dịch thỏa thuận giữa các nhà đầu tư.
Không loạt trừ khả năng bên bán trong các giao dịch trên là cổ đông lớn nhất NovaGroup. Trước đó, trong bối cảnh giá cổ phiếu NVL liên tục giảm mạnh, tổ chức này đã bất ngờ đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận từ 30/11 đến 29/12/2022.
Nguồn cung cổ phiếu tăng vọt do hoạt động bán giải chấp của các công ty chứng khoán trong khi cầu bắt đáy cũng không chịu kém cạnh đã đẩy thanh khoản trên NVL tăng đột biến. Theo thống kê từ phiên 22/11 đến nay, NovaGroup đã bán ra tổng cộng 52,7 triệu cổ phiếu NVL trong đó có 40 triệu đơn vị bị giải chấp.
Tương tự, vợ và con trai Chủ tịch NovaGroup Bùi Thành Nhơn cũng đã bán ra lượng lớn cổ phiếu NVL thời gian gần đây. Trong đó, bà Cao Thị Ngọc Sương đã bị bán giải chấp hơn 29 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 23-28/11 và giảm tỷ lệ sở hữu từ 4,28% xuống còn 2,79%. Ông Bùi Cao Nhật Quân cũng đã bán 5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 4,27% xuống còn 4,13% vào ngày 28/11.
Với đà giảm chưa có dấu hiệu dừng lại, sẽ không bất ngờ nếu cổ đông lớn hoặc người nội bộ của Novaland tiếp tục bị bán giải chấp cổ phiếu trong thời gian tới. Sau 5 phiên trắng sàn liên tiếp vừa qua, NVL đã thủng đáy cũ và rơi xuống mức 16.650 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi niêm yết cuối năm 2016. So với thời điểm trước khi lao dốc vào đầu tháng 11, thị giá NVL đã “bốc hơi” 76% tương ứng giá trị vốn hóa bị thổi bay hơn 104.000 tỷ đồng (~4,5 tỷ USD).
Tái cấu trúc toàn diện
Trước những diễn biến không thuận lợi thời gian qua, Novaland đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc toàn diện gồm tinh giản các ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh chiến lược bán hàng với mức chiết khấu cao… Đồng thời, ông Bùi Thành Nhơn cũng trở lại cương vị chủ tịch hội đồng quản trị.
3 Thành viên HĐQT gồm ông Jeffrey David Perlman, ông Nguyễn Ngọc Huyên và ông Nguyễn Đức Dũng đã nộp đơn từ nhiệm. Novaland cũng vừa phát đi thông báo chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến thông qua các đơn từ nhiệm trên, đồng thời thay đổi cơ cấu, số lượng Thành viên HĐQT từ 7 xuống 5, quy chế bầu cử và nhận đề cử ứng cử viên cho vị trí này nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trước đó, Novaland cũng đã khẳng định các tin đồn về tình hình nợ và khả năng thanh toán của tập đoàn là không chính xác. Các hoạt động phát hành trái phiếu của Novaland đều tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Để đảm bảo năng lực tài chính và chuẩn bị cho các dự án sắp tới, Novaland đã tích cực làm việc với các đối tác tài chính trong nước và quốc tế. Tập đoàn tiếp tục nhận được những cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính từ các đối tác.
Mới đây, Novaland đã bổ sung các biện pháp bảo đảm cho khoản vay lên đến 100 triệu USD, được cấp bởi Tập đoàn Credit Suisse AG, Singapore Branch và các bên cho vay hợp vốn khác. Cụ thể, Novaland thế chấp toàn bộ cổ phần, các tài khoản và các khoản phải thu của CTCP Đầu tư Phát triển Địa ốc Vạn Phát. Doanh nghiệp cũng thế chấp các khoản phải thu của các đối tác BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh) của Vạn Phát.
Song song đó, Novaland thế chấp toàn bộ phần vốn góp trong Công ty TNHH The Forest City đang được sở hữu bởi Vạn Phát, kèm theo các tài khoản của Forest City, các khoản phải thu còn lại liên quan đến tài sản bảo đảm là bất động sản của Forest City, các khoản phải thu theo một số BBC. Novaland cũng thỏa thuận bảo lãnh thanh toán của Forest City và Vạn Phát đối với khoản vay của công ty và Credit Suisse AG, Singapore Branch.