Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận đề nghị của Chính phủ về việc giảm 2.000 đồng thuế môi trường đối với mỗi lít xăng.
Giảm thuế môi trường với xăng dầu, hầu hết đồng ý
Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục diễn ra vào chiều 23/3. Phiên họp này đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.
Tại phiên họp, Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính đã thừa uỷ quyền Chính phủ đọc tờ trình. Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, giảm 2.000 đồng/ lít xăng (trừ ethanol) và 1.000 đồng đối với dầu diesel, dầu mazut, mỡ nhờn. Dầu hoả còn 300 đồng/lít, giảm 70% so với mức hiện hành.
Thời gian áp dụng giảm thuế môi trường bắt đầu từ 1/4/2022 – 31/12/2022. Sau đó, mức thuế quay về hiện tại. Đối với xăng là từ 3.800 – 4.000 đồng, đối với dầu là 2.000 đồng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách – ông Nguyễn Phú Cường cho biết, mức giảm thuế theo đề xuất của Chính phủ đa số được mọi người đồng ý, bởi “giảm thuế là hỗ trợ, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19″.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, có nhiều ý kiến nói rằng, căn cứ để tính toán mức giảm thuế với từng mặt hàng chưa rõ. Theo ông, về căn cứ giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu (trừ dầu hoả), Chính phủ cần giải trình rõ hơn, đồng thời bổ sung số liệu so sánh giá xăng dầu các nước trong khu vực. Việc này nhằm tránh xảy ra tình trạng buôn lậu, chuyển xăng dầu ra bên ngoài.
Những ý kiến khác về việc giảm thuế môi trường
Một số ý kiến khác đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường 2.500 đồng/lít đối với xăng. Đối với các mặt hàng dầu, mức giàm là 50%, đối với dầu hỏa là 70%.
Thậm chí có người đưa phương án về việc giảm thuế bảo vệ môi trường dựa theo mức biến độ giá dầu thô. Như vậy vừa có thể đảm bảo cân đối ngân sách, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường không phù hợp với bản chất và nguyên tắc tính thuế của thuế bảo vệ môi trường, các đối tượng đang phải chịu loại thuế này sẽ không được đảm bảo công bằng. Chưa kê,r nó cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, nên dễ tạo ra dư luận không tốt cho rằng Việt Nam không hướng đến mục tiêu giảm tác động có hại đến môi trường.
Nếu cần thiết, Chính phủ nên đề xuất điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu thay vì giảm thuế bảo vệ môi trường.
Cơ quan thẩm tra của Chính phủ còn nêu ra đề nghị về việc điều hành xăng dầu, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, Chính phủ có thể cân nhắc việc giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với xăng.
Đây có thể được coi như một biện pháp bổ sung can thiệp nếu giá dầu thô trên thế giới tiếp tục biến động. Dựa vào tình hình nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, ASEAN, Singapore… cũng như biến động giá thế giới để tính toán mức giảm này.
Uỷ ban Tài chính ngân sách còn đề nghị Chính phủ xem xét giảm áp lực nguồn cung trên thị trường hay giảm chu kỳ điều hành giá nhằm đưa giá trong nước sát hơn với giá thế giới.
Về giải pháp lâu dài, Chính phủ cần nghiên cứu việc bổ sung công cụ cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng hiện vật (xăng dầu) ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền. Việc này mục đích để đa dạng hóa các công cụ tham gia điều tiết, hỗ trợ bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.