Bộ Tài chính đề xuất áp thuế 0,1% cho mỗi lần giao dịch tài sản số, nhằm đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật và tăng cường quản lý nguồn thu.
Tài sản số vào tầm ngắm thuế vụ
Bộ Tài chính vừa trình đề xuất mới trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), theo đó thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số – bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa – sẽ bị áp thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng mỗi giao dịch, tương tự với thị trường chứng khoán hiện nay.
Để được áp dụng mức thuế này, các giao dịch tài sản số phải được thực hiện trên sàn giao dịch có tính minh bạch, công khai về giá và đảm bảo tần suất hoạt động thường xuyên.
Theo thống kê từ Triple-A năm 2024, hơn 20% dân số Việt Nam đang sở hữu tài sản số, cho thấy tốc độ phổ cập tiền mã hóa vượt trội so với mặt bằng chung toàn cầu. Dữ liệu từ Chainalysis cũng xếp Việt Nam vào nhóm top 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số chấp nhận crypto, với mức độ tiếp cận cao gấp 3–4 lần so với trung bình.

Tuy nhiên, trước đây, hoạt động giao dịch và sở hữu tài sản số vẫn nằm ngoài phạm vi quản lý pháp lý rõ ràng. Chỉ đến khi Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua tháng 6/2025 (có hiệu lực từ 1/1/2026), tài sản số mới chính thức được công nhận là tài sản hợp pháp theo quy định dân sự, từ đó mở đường cho cơ quan thuế xây dựng chính sách thuế tương ứng.
Hàng loạt thu nhập mới chuẩn bị bị đánh thuế
Bên cạnh tài sản số, Bộ Tài chính cũng đề xuất mở rộng phạm vi đánh thuế thu nhập cá nhân đối với nhiều loại tài sản và hoạt động chuyển nhượng khác như: Tên miền Internet quốc gia Việt Nam; Chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; Trái phiếu xanh; Biển số ôtô trúng đấu giá và phương tiện gắn biển số đấu giá…
Với các loại thu nhập này, thuế suất dự kiến là 5% trên phần thu nhập tính thuế, được tính bằng khoản thu nhập vượt trên 10 triệu đồng/lần giao dịch. Mức thuế này tương đương với mức đang áp dụng cho bản quyền hoặc nhượng quyền thương mại.
Đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, khi tài sản số đã được công nhận là loại tài sản hợp pháp và được giao dịch thương mại, thì việc đánh thuế là phù hợp. Ngoài thuế thu nhập cá nhân, các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có thể được tính đến trong tương lai, tùy theo mô hình giao dịch.
Việc đánh thuế với tài sản số được xem là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý và đảm bảo công bằng trong chính sách thuế giữa các loại tài sản truyền thống và tài sản kỹ thuật số.
Mộc Miên (Tổng hợp)