Thông tin một doanh nghiệp Việt Nam là Gilimex đang kiện Amazon đang gây xôn xao dư luận. Doanh nghiệp này vốn hoạt động rất tốt nhưng đang đối mặt với không ít thách thức.
Cáo buộc của Gilimex đối với Amazon
Bloomberg đưa tin, Amazon – gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ đã bị Gilimex cáo buộc về việc đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng, sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm nay. Điều này khiến cho Gilimex rơi vào tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Từ năm 2014 đến 2022, Gilimex đã là đối tác chính của Amazon. Sàn thương mại điện tử này đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm mục đích xây dựng kho chứa hàng hóa của sàn thương mại điện tử này. Việc vận chuyển ở những kho chứa được thực hiện bởi robot. Điều này giúp tốc độ hoàn thành các đơn đặt hàng trực tuyến nhanh hơn.
Gilimex có trụ sở tại TP.HCM. Để sản xuất hơn một triệu đơn vị lưu trữ hàng năm, họ đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên ở nhiều nhà máy. Trong suốt 8 năm qua, việc sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần.
Để đáp ứng nhu cầu của sàn thương mại này, Gilimex cũng thực hiện điều chỉnh công suất nhà máy, đồng thời sắp xếp nhân viên, khi mà nhiều người mắc kẹt tại nhà trong thời kỳ đại dịch, chủ yếu thực hiện mua sắm trực tuyến.
Thời điểm tháng 4-5 vừa qua, Amazon “bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022-2023.
Đơn kiện của Gilimex nói rằng, Amazon chính là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp này, các đơn đặt hàng năm 2021 trị giá lên tới 146,6 triệu USD. Gilimex đã từ chối một số khách hàng lớn như IKEA, Columbia Sportswear… đồng thời tiến hành di dời các cơ sở sản xuất, đóng gói để tiếp tục sản xuất để đáp ứng nhu cầu của sàn thương mại này.
Phía Amazon hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến sự việc này.
Gilimex kinh doanh ra sao trước khi lùm xùm với Amazon?
Gilimex là doanh nghiệp dệt may lớn được thành lập từ năm 1982, hoạt động chính là sản xuất, gia công, thương mại, xuất khẩu các sản phẩm thuộc ngành may và dệt gia dụng tại Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng đang mở rộng ra lĩnh vực mới là khu công nghiệp.
Gilimex hiện có 14 công ty con đang đầu tư trực tiếp và 1 công ty liên kết, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, bất động sản và kho vận tại khu vực miền Nam. Tính đến hết quý III, số lượng nhân viên chính thức đang làm việc trong hệ thống của doanh nghiệp đạt 2.756 người.
Các quý đầu năm 2022, doanh thu của Gilimex quanh 1.300 tỷ đồng/quý. Trong các công ty dệt may tư nhân trong nước, doanh nghiệp thuộc nhóm có doanh số hàng đầu. Nhưng quý III, doanh thu của doanh nghiệp lao dốc mạnh, giảm trầm trọng còn hơn 200 tỷ đồng, giảm khoảng 83% so với quý liền trước, 66% so với cùng kỳ 2021.
Kết quả của Gilimex đi ngược với xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Với doanh số lập đỉnh mới, hơn ngàn tỷ đồng nên May Sông Hồng, TNG, Dệt may Thành Công… đã nhanh chóng vượt mặt doanh nghiệp này.
Do doanh số chủ lực của 2 quý đầu năm cao nên doanh thu lũy kế sau 9 tháng của Gilimex vẫn tăng trưởng. Trong khi đó, lợi nhuận tăng trưởng đến 72%, phần lớn từ việc thanh lý khoản đầu tư tài chính.
Tính đến hết tháng 9, quy mô tổng tài sản của Gilimex là gần 4.300 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là giá trị hàng tồn kho, khoảng 1.278 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho tăng 70% so với đầu năm, chiếm 30% tổng tài sản. Được biết, chúng chủ yếu là thành phẩm, chi phí sản xuất dở dang, nguyên vật liệu.
Theo đánh giá, việc Amazon thu hẹp ký kết đơn hàng mới thực tế là hệ quả tất yếu. Chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” của Gilimex được cho là đang gây ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Thách thức này, May Sông Hồng và May Thành Công cũng đối mặt trước đó và phải chật vật khi đối tác lớn tại Mỹ bị phá sản.
Doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quý cuối năm. Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) dự báo đơn hàng sẽ sụt giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát cao, một số công ty phải cắt giảm khoảng 10%-15% sản lượng và sa thải lao động.