Các nhà quản lý Mỹ vừa cho biết, họ đã cảnh báo hàng trăm công ty, trong đó có Amazon và Google, về việc giả mạo đánh giá của khách hàng trên mạng nhằm mục đích đánh bóng danh tiếng của công ty.
Các nhà chức trách đã lưu ý tình trạng các dịch vụ giúp các công ty đánh bóng hình ảnh trên mạng xuất hiện rầm rộ, trong đó có dịch vụ giả mạo đánh giá của khách hàng hay xóa các ý kiến bất lợi đối với công ty.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã gửi thư tới khoảng 700 công ty, cảnh báo mức phạt cho hành vi giả mạo đánh giá có thể lên đến 43.792 USD, được xác nhận khi các công ty phá vỡ quy tắc về đánh giá.
Ngoài Amazon, Google, trong danh sách cảnh báo này còn có một số “ông lớn” khác cũng góp mặt như Coca-Cola, ngũ cốc Kellogg, nhà sản xuất đồ chơi Mattel, công ty công nghệ du lịch toàn cầu Expedia và công ty cung cấp ứng dụng cho thuê phòng Airbnb.
Tuyên bố của FTC đã cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của truyền thông xã hội làm xóa nhòa ranh giới giữa nội dung xác thực và thông tin chưa được kiểm chứng. Từ đó làm bùng nổ và gia tăng các vụ lừa đảo. FTC hiện đang hướng mục tiêu đến các công ty và các nhà quảng cáo lớn.
Tuy nhiên, FTC cũng lưu ý rằng không phải công ty nào nhận được thư cảnh báo của cơ quan này cũng đồng nghĩa với việc công ty đó có sai phạm.
Giám đốc Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Mỹ, ông Samuel Levine nhận định, các đánh giá giả mạo, các thông tin, hình thức quảng cáo chưa qua kiểm chứng là hành vi lừa dối khách hàng và gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp hoạt động trung thực.
Cũng về vấn đề giả mạo đánh giá của khách hàng, trước đó ngày 25/6, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) của Vương quốc Anh cũng đã mở một cuộc điều tra chính thức đối với Amazon và Google vì lo ngại hai công ty này chưa làm đủ những gì cần thiết để xử lý các đánh giá giả mạo.
CMA thông tin, họ lo lắng rằng các hệ thống của Amazon không ngăn được người bán thao túng danh sách sản phẩm. CMA vẫn chưa xác định liệu Amazon và Google có vi phạm luật ở giai đoạn đó không. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết nếu họ phát hiện các công ty vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng, họ sẽ hành động một cách mạnh tay, bao gồm cả việc đưa các công ty ra tòa nếu cần thiết.
Được biết, CMA đã bắt đầu điều tra về vấn đề đánh giá giả mạo từ tháng 5/2020. Đầu năm 2020, Facebook và Ebay đã phải xóa một số nhóm và tài khoản có đánh giá giả. Sau đó, vào tháng 4/2021, CMA cho biết Facebook đã xóa thêm hàng ngàn nhóm khác và thực hiện các thay đổi tiếp theo đối với hệ thống để xác định, xóa và ngăn nội dung đánh giá giả mạo xuất hiện trên nền tảng của mình.