Từ năm 2026, xe xăng sẽ bắt đầu bị cấm tại khu vực trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, với hạ tầng giao thông công cộng chưa hoàn chỉnh, thiếu bãi đỗ và trạm sạc điện, việc chuyển đổi sang xe xanh còn nhiều thách thức.
Cấm xe xăng: Hà Nội theo sát cuộc đua xanh toàn cầu
Trong xu hướng toàn cầu loại bỏ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Hà Nội đang từng bước tiếp cận với chính sách “khai tử” xe xăng. Cụ thể, từ tháng 7/2026, xe máy xăng sẽ không được lưu thông trong khu vực vành đai 1 (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).
Từ 1/1/2028, cấm thêm xe ôtô cá nhân chạy xăng dầu trong vành đai 1 và 2. Năm 2030, áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân chạy xăng trong vành đai 3.
Đây là bước đi tương tự như các thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh, London hay Oxford – những nơi đã triển khai vùng phát thải thấp, hạn chế xe cũ và tăng tốc phát triển xe điện.
Bài toán khó: Giao thông công cộng chưa đủ sức thay thế
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 9,2 triệu phương tiện, trong đó 6,9 triệu là xe máy, chủ yếu là xe chạy xăng. Ở các quận lõi, xe máy vẫn là “chân chính” của người dân vì đặc thù ngõ hẹp, mật độ dân cư cao.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng lại mới đáp ứng khoảng 19% nhu cầu đi lại, bao gồm: Xe buýt: 153 tuyến, nhưng vẫn chỉ đạt khoảng 14% thị phần vận tải; Metro mới có tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông hoạt động, các tuyến khác chậm tiến độ, chiếm chưa tới 2% thị phần.

Theo dự báo, đến 2030, hệ thống vận tải công cộng có thể đáp ứng 35–40% nhu cầu đi lại. Nhưng vẫn còn hơn nửa dân số phụ thuộc vào xe cá nhân. Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cảnh báo: “Nếu cấm xe máy mà chưa có phương án thay thế hiệu quả, hệ thống xe buýt sẽ quá tải”.
Hạ tầng yếu: Thiếu bãi gửi xe và trạm sạc
Khi cấm xe xăng trong nội đô, người dân từ ngoài vành đai 1 phải gửi xe để chuyển sang phương tiện khác. Nhưng Hà Nội mới đưa vào khai thác 72/1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch; Quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt 0,16%, quá thấp so với yêu cầu 3–4%; Khu vực vành đai 1 gần như không còn đất trống để bố trí bãi đỗ mới.
Ngoài ra, khi nhu cầu chuyển sang xe điện tăng, hạ tầng sạc hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu bởi phần lớn nhà dân không có chỗ đỗ xe cố định, kéo dây sạc thủ công tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ; Các trạm sạc hiện hữu thường độc quyền theo hãng, không dùng chung; Chưa có quy chuẩn quốc gia cho trạm sạc xe máy điện, khiến việc triển khai bị phân mảnh, thiếu đồng bộ.
Gánh nặng tài chính với người thu nhập thấp
Giá một chiếc xe máy điện chính hãng dao động 30–50 triệu đồng, là khoản chi lớn với nhiều hộ gia đình. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội năm 2024 khoảng 163,5 triệu đồng/năm.
Việc thay thế xe xăng bằng xe điện đang là rào cản lớn, đặc biệt với người lao động, sinh viên, người thu nhập thấp.
Ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam – đề xuất: Thành phố khảo sát số lượng xe máy theo niên hạn, tình trạng để có gói hỗ trợ phù hợp; Trợ giá, hỗ trợ vay mua xe điện, nhất là với hộ nghèo; Kêu gọi doanh nghiệp xe điện triển khai chương trình đổi xe cũ – lấy xe mới, giảm giá sâu cho nhóm yếu thế.
Hà Nội cần gì để bắt kịp xu thế xanh hóa?
Việc “khai tử” xe xăng là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Bắc Kinh đã làm điều đó từ thập niên 80. London siết chặt bằng phí ULEZ, Oxford trực tiếp cấm xe động cơ đốt trong. Nhưng điểm chung là hạ tầng đồng bộ – chính sách đồng hành.
Nếu Hà Nội muốn hiện thực hóa mục tiêu cần đẩy nhanh các tuyến metro và cải tiến mạng lưới xe buýt, ưu tiên xây dựng bãi đỗ chuyển tiếp, nhất là quanh vành đai 1–2, phát triển trạm sạc công cộng, áp dụng quy chuẩn chung và hỗ trợ lắp đặt tại khu dân cư; ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe máy xăng, tránh tạo thêm áp lực tài chính cho người dân.
Việc loại bỏ xe xăng khỏi nội đô là một bước tiến lớn trong chiến lược xanh hóa đô thị của Hà Nội. Tuy nhiên, để chính sách này khả thi và bền vững, thành phố cần đi kèm với giải pháp hạ tầng, hỗ trợ tài chính và đảm bảo phương tiện thay thế đủ năng lực phục vụ. Chỉ khi đó, Hà Nội mới thực sự tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành “đô thị không khói” như các thành phố tiên tiến trên thế giới.
Mộc Miên (Tổng hợp)