Ủy ban kinh tế – Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ chủ trì tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu vào ngày 28/2 với sự tham dự của 2 bộ là Công Thương và Tài Chính.
2 Bộ tham gia phiên giải trình về tình hình xăng dầu
Các doanh nghiệp xăng dầu nhận được văn bản của Ủy ban kinh tế – Quốc hội khóa XV, mời tham dự phiên giải trình về tình hình xăng dầu của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Cơ quan này nêu rõ căn cứ chức năng giám sát được quy định, thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tổ chức Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính là 2 cơ quan giải trình. Ngày 28/2, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng lãnh đạo Ủy ban Kinh tế sẽ chủ trì cuộc họp này.
9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu gửi đơn kiến nghị khẩn
Hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối xăng dầu trước đó đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương… về các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng như góp ý sửa đổi Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có nhiều quy định chưa phù hợp, nhất là các quy định ở khâu bán lẻ khiến cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng trong thời gian dài, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây thiếu hụt xăng dầu.
Cụ thể, đại diện nhóm doanh nghiệp này phản ánh, thời gian qua, dù đã phải chịu mức chiết khấu 0 đồn nhưng nhà cung cấp tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế, khiến các doanh nghiệp bán lẻ đang trong cảnh chịu lỗ nặng mà vẫn buộc phải duy trì kinh doanh.
Các doanh nghiệp bán lẻ cũng cho biết, họ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép về mức chiết khấu. Nói cách khác, mọi sự cạnh tranh của doanh nghiệp bị triệt tiêu khi không thể lấy hàng bên nhà phân phối khác.
Một vấn đề khác chính là việc bị nhà cung cấp từ chối bán, không giao hàng dù rằng doanh nghiệp bán lẻ sắp hết hàng, dẫn đến tình trạng phải đóng cửa.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo rằng không có sự phân biệt, đối xử giữa các doanh nghiệp.
Đồng thời, họ cũng kiến nghị được mua xăng dầu từ 3 doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối theo hợp đồng mua bán xăng dầu.