Đã trải qua 3/4 thời gian của năm 2021, bất động sản công nghiệp Hải Phòng vẫn giữ vững sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên bất chấp những tác động tiêu cực từ Covid-19.
Bất động sản công nghiệp Hải Phòng: Ghi điểm trong khó khăn
Trong các báo cáo đánh giá về tình hình bất động sản công nghiệp quý 3 được công bố trong thời gian gần đây, Hải Phòng luôn được nhắc đến là điểm thu hút nhiều tiềm năng.
Báo cáo tổng quan thị trường đất khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn quý 3/2021 của JLL Việt Nam điểm tên Hải Phòng với dự án tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD của LG để mở rộng sản xuất tại khu công nghiệp Tràng Duệ.
Bên cạnh đó, với khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng đã góp phần nâng tổng nguồn cung mới nhà xưởng xây lên mức 2,1 triệu m2 sàn.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc Công ty IDICO dự kiến sẽ đầu tư thêm khu công nghiệp đô thị dịch vụ Vinh Quang với diện tích 495ha tại Hải Phòng, đây cũng là một minh chứng cho xu hướng đầu tư bất động sản cộng nghiệp phức hợp đang đần phát triển tại miền Bắc và Hải Phòng đang là tâm điểm cũng đã sớm ghi dấu ấn.
Cùng với Bắc Ninh, Hải Phòng cũng là điểm đến lạc quan của nguồn vốn FDI, tạo hiệu ứng giúp giá đất công nghiệp trung bình toàn khu vực tăng 6,1% so với cùng kì năm trước, đạt 108 USD/m2/chu kỳ thuê.
Còn với báo cáo quý 3 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, Hải Phòng cũng được nhắc đến với những đánh giá tích cực về bất động sản công nghiệp.
Cụ thể, Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, các khu công nghiệp ở Hải Phòng có hạ tầng đồng bộ, thuận tiện giao thông nên được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đặt cơ sở sản xuất. Dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Hải Phòng là 73%; giá thuê đạt mức 96 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 3,2% so với năm 2019, cao hơn Bắc Ninh (95 USD/m2), Hưng Yên (83 USD/m2) và Hải Dương (76 USD/m2).
Do vậy, nhiều khu công nghiệp có chất lượng tốt ở Hải Phòng như DEEP C, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, Nam Cầu Kiền… vẫn đón những dự án mới, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tiềm năng còn lớn
Theo đánh giá của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, Hải Phòng có vị trí kết nối đặc biệt của Miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung, có cảng hảng không quốc tế Cát Bi và cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện kết hợp với việc kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
Đồng thời Hải Phòng đang mạnh mẽ triển khai các dự án giao thông hạ tầng đồng bộ, xây dựng nhiều cầu cho nhiều nút giao thông quan trọng cùng quyết tâm hoàn thành đề xuất xây dựng 67 công viên và vườn hoa trên toàn thành phố nên thị trường BĐS tại Hải Phòng nói chung và quý III năm 2021 nói riêng là rất tốt, thậm chí rất sôi động.
Riêng về bất động sản công nghiệp, để sẵn sàng cho việc đón các dòng vốn mới, Hải Phòng đang phát triển thêm 15 khu công nghiệp với diện tích 6.200 ha.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, các doanh nghiệp đã dự báo khả năng thu hút vốn FDI năm 2021 vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố có thể lên khoảng 5 tỷ USD.
Trong đó, riêng Tập đoàn Sao Đỏ đăng ký thu hút đầu tư năm 2021 là 1 tỷ USD vào Khu công nghiệp Nam Đình Vũ; Công ty TNHH VSIP Hải Phòng đăng ký thu hút đầu tư năm 2021 từ 1 đến 1,5 tỷ USD (công nghiệp 500 triệu USD, bất động sản 1 tỷ USD) vào KCN VSIP Hải Phòng; Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng (SHP) đăng ký thu hút đầu tư năm 2021 là 1 tỷ USD vào KCN Tràng Duệ…
Bên cạnh đó, Hải Phòng đã cho thấy rõ định phát triển bền vững các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái là tất yếu, là điểm rất quan trọng để quyết định lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển môi trường bền vững.
Hiện trên địa bàn Hải Phòng có 2 khu công nghiệp đi theo hướng khu công nghiệp sinh thái là Khu công nghiệp DEEP C (540 ha) và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (gần 270 ha). Như vậy, trên tổng diện tích gần 5.000 ha của 12 khu công nghiệp mà Hải Phòng đang triển khai đầu tư, khu công nghiệp sinh thái chiếm trên 16,5% về diện tích.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội của JLL Việt Nam đánh giá, khi bất động sản công nghiệp đã phát triển, hình thái thị trường cao hơn, nhà xưởng xây sẵn sẽ trở thành xu hướng để phục vụ nhu cầu của các nhà đâu tư nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn đa quốc gia khi dịch chuyển sản xuất.
Nhiều nhà đầu tư ở giai đoạn thăm dò thị trường thường có nhu cầu thuê nhà xưởng để bắt đầu hoạt động với quy mô nhỏ trước khi có quyết định đầu tư lâu dài và mở rộng sản xuất với việc mua đất để tự xây nhà xưởng.
Hải Phòng hiện có sự đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông, tạo nên chuỗi logistics hoàn thiện và trở thành một mắt xích trong chuỗi logistics toàn cầu với Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện. Điều này giải thích cho sức hút ngày càng tăng của Hải Phòng đối với các nhà đầu tư FDI.
Đơn cử, Tập đoàn LG từ đầu năm nay đã tăng vốn thêm 750 triệu USD (tháng 2/2021) và đến cuối tháng 8, tăng tiếp 1,4 tỷ USD nữa.
Các KCN của Hải Phòng đang tận dụng tốt ưu thế của thành phố cảng biển để xây dựng và đóng gói các sản phẩm gắn với logistics, tăng lợi thế thu hút đầu tư so với các địa phương khác. Rõ ràng, đây sẽ là yếu tố hấp dẫn và đặc biệt là giữ chân lâu dài với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một điểm cộng vô cùng lớn được Hải Phòng ghi dấu ấn trong thời gian qua, đó chính là hiệu quả phòng chống dịch. Bất chấp Covid-19 ảnh hưởng nặng nền đến các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp của Hải Phòng được hưởng lợi thế “vùng xanh” vô cùng lớn vẫn hoạt động ổn định. Đây sẽ là yếu tố để các nhà đầu tư nước ngoài “để mắt” nhiều hơn đến môi trường đầu tư tại Hải Phòng và bất động sản công nghiệp ở thành phố Cảng sẽ tiếp tục là điểm sáng trong tương lai.