Dự kiến ngày 28/9 tới đây sẽ có buổi đối thoại trực tiếp giữa Ngân hàng Nhà nước với toàn bộ doanh nghiệp hàng không và ngân hàng thương mại có dư nợ để tháo gỡ khó khăn về vốn…
Chia sẻ tại Đối thoại trực tuyến “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức vào lúc 20h ngày 25/9/2021, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dự kiến ngày 28/9 tới, sẽ có buổi làm việc bàn về “Gói tín dụng cho ngành hàng không” giữa đại diện Ngân hàng nhà nước với các hãng hàng không và hơn 10 tổ chức tín dụng có dư nợ trong ngành này.
Mục đích của buổi gặp gỡ nói trên là tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng tư nhân, trong bối cảnh từ đầu năm 2020 đến nay, toàn bộ máy bay gần như nằm im dưới mặt đất do thực hiện giãn cách phòng chống Covid – 19.
“Nếu không có gì thay đổi, ngày 28/9 tới, Ngân hàng Nhà nước rất mong có được sự đóng góp của các doanh nghiệp hàng không về việc tháo gỡ khó khăn. Dựa vào đó, Vụ tín dụng và các đơn vị đầu mối sẽ tháo gỡ trực tiếp”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, riêng đối với Vietnam Airlines, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý, ngân hàng thương mại đã giải ngân và doanh nghiệp cũng đã nhận nợ khoản vay 4.000 tỷ đồng trong gói 12.000 tỷ đồng mà Quốc hội cũng như Chính phủ cho phép.
Còn theo Nghị quyết 105 mới đây, ngành ngân hàng được giao nghiên cứu một cơ chế trong thẩm quyền hoặc nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét hỗ trợ cho ngành hàng không, chủ yếu hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp.
“Nếu không có gì thay đổi, ngày 28/9 tới, Ngân hàng Nhà nước rất mong có được sự đóng góp của các doanh nghiệp hàng không về việc tháo gỡ khó khăn. Dựa vào đó, Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) và các đơn vị đầu mối sẽ tháo gỡ trực tiếp”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng thông tin.
Dự kiến, thành phần tham dự buổi trao đổi gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp hàng không.
Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù liên tục cắt giảm chi phí nhưng khoản chi hàng tháng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên vẫn rất lớn.
Tính trung bình chi phí bình quân ngày trong 6 tháng đầu năm nay của Vietnam Airlines đã giảm còn bằng 1/4, Vietjet giảm còn bằng 1/5 lần so với chi phí bình quân năm 2019 nhưng số nợ và tình trạng thiếu hụt dòng tiền của các hãng đã lên tới con số “khổng lồ”. Cụ thể, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo hiện đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt hàng chục ngàn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu cấp thiết lớn nhất của các hàng hàng không là được vay vốn ưu đãi lãi suất. Đồng thời, các hãng hàng không xứng đáng được vay ưu đãi vì các lý do như: Khả năng phục hồi, bứt tốc sau dịch của các hãng hàng không rất cao; Có đóng góp lớn cho ngân sách; Hàng không hồi phục thì du lịch mới phát triển; Là ngành mang tính động lực phát triển của kinh tế; Có vai trò, ý nghĩa đối với xã hội…
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Vietnam Airlines lỗ trên 10.000, lỗ lũy kế 18.000 tỷ đồng. VietJet Air tuy báo có lãi gộp nhưng đó là do bán tài sản, bán cổ phiếu quỹ và kinh doanh tài chính. Thực chất, Vietjet cũng bị lỗ lớn ở trong ngành nghề kinh doanh chính của hãng là vận tải hàng không.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ với VnEconomy: Vietnam Airlines vay đang phải đáp ứng một số điều kiện gồm: vay có tài sản bảo đảm; chỉ vay bổ sung vốn lưu động; lãi suất tự thỏa thuận với tổ chức tín dụng để phù hợp với khả năng tài chính giữa hai bên.
Tuy nhiên, theo quy định, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay 12 tháng đối với vốn lưu động. Muốn được giữ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ và điều chỉnh thời hạn trả nợ giống Vietnam Airlines là vay 364 ngày, gia hạn tối đa 2 năm thì cần có một hành lang pháp lý trên luật như Nghị quyết của Quốc hội vừa được ban hành để các tổ chức tín dụng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
“Bởi vậy, Chính phủ cần phải đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt về vấn đề này để tháo gỡ các rào cản vay vốn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ về vấn đề lãi suất, Nhà nước không nên chốt cứng mà có thể thả nổi giống như sản phẩm phái sinh tài chính. Nghĩa là lãi suất phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, nếu hồi phục tốt thì lãi cao, chưa thể phục hồi ngay thì lãi vừa phải. Hiểu đơn giản, phải làm sao cho mọi người cảm thấy công bằng với ngân sách đã vay, công bằng với tiền thuế của dân.