Các hãng hàng không Việt Nam phát sinh tăng chi phí bay do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro bởi ảnh hưởng cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Theo đó, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết: Căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra kéo theo việc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Canada đóng cửa bầu trời với Nga bao gồm cả việc cất/hạ cánh và bay qua không phận các nước này và Nga cũng có các động thái tương tự với các quốc gia này.
Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay thậm chí của cả các hãng hàng không không tham gia cấm vận do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro…
Hàng không Việt ảnh hưởng nặng do xung đột Nga – Ukraine
Hiện Vietnam Airlines khai thác đường bay đến Nga; hãng này và Bamboo Airways tổ chức chuyến bay đi châu Âu và Mỹ, có sử dụng đường bay không lưu quá cảnh qua Nga. Chiến sự khiến nhiều nước cấm hãng bay khai thác đường bay không lưu qua Nga; cấm sử dụng sân bay dự bị trong lãnh thổ Nga.
Vietnam Airlines đang khai thác 6 chuyến bay/tuần giữa Việt Nam và châu Âu, như vậy chi phí phát sinh khoảng từ 70.000 USD đến 130.000 USD/tuần, Bamboo Airways khai thác 3 chuyến/ tuần giữa Việt Nam và Châu Âu, chi phí phát sinh từ 35.000 USD-65.000 USD/tuần.
Các chuyến bay đi/đến Mỹ phải điều chỉnh đường bay tránh không phận Nga kéo dài thời gian bay từ 20-30 phút/chuyến bay tùy từng giai đoạn khai thác. Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay/ tuần đi Mỹ, dự kiến chi phí phát sinh khoảng 20.000 USD-40.000 USD/tuần tùy từng giai đoạn.
Việc thiếu nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nhiên liệu, thêm gánh nặng cho các hãng hàng không, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam nêu.
Cùng đó, việc hãng hàng không Việt không sử dụng được sân bay dự bị trong lãnh thổ Nga; sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine cũng làm tăng giá nhiên liệu, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không. Ngoài ra, việc cấm vận hàng không dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines khai thác tàu bay thân rộng A350/B787 đến Nga. Tuy nhiên, gần 80% đội tàu bay thân rộng của hãng là các tàu thuê. Tất cả hợp đồng thuê tàu bay của Việt Nam đều có các quy định chung về nguyên tắc bên thuê không được khai thác đến các nước/vùng đang bị cấm vận, chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nếu việc khai thác này dẫn đến vi phạm của các bên liên quan của hợp đồng đối với lệnh cấm vận, trừng phạt nói trên.
Trường hợp bay được, khi phát sinh kỹ thuật tại Nga thì hãng không thể đưa phụ tùng từ châu Âu đến Nga để sửa chữa do việc cấm vận mà phải vận chuyển từ Việt Nam với chi phí rất cao.
Thời điểm trước dịch, đường bay giữa Việt Nam và Nga có 10 hãng hàng không của hai nước khai thác, từ Nga đến Hà Nội, TP HCM, Phú Quốc và Nha Trang. Năm 2019, các hãng bay đã vận chuyến 1,47 triệu khách và 18,7 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 20% về hành khách và 50% về hàng hóa so với năm 2018.