Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế Giới Di Động có thu nhập cao thứ hai trong dàn lãnh đạo cấp cao, ở mức 1,93 tỷ đồng năm 2022.
Mức lương ông Nguyễn Đức Tài và dàn lãnh đạo Thế giới di động năm 2022
Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) đã có năm đầu tiên công bố chi tiết thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Theo đó, tổng số tiền các lãnh đạo cấp cao nhận về là 8,5 tỷ đồng, được chi trả từ ngân sách công ty con của Thế Giới Di Động.
Người có thu nhập cao nhất trong số các thành viên Hội đồng quản trị là ông Robert Willet (quốc tịch Anh), ở mức 2,2 tỷ đồng. Người có thu nhập cao thứ 2 là ông Nguyễn Đức Tài. Mức thu nhập cả năm ông nhận về xấp xỉ 1,93 tỷ đồng, tương đương là khoảng 160 triệu/tháng.
Trước đây, ngoài thu nhập, mỗi năm ông Tài còn nhận thêm 350.000-400.000 cổ phiếu ưu đãi (ESOP). Nhưng từ sau năm 2018, ông không còn nhận khoản này.
Thông tin này đã được ông Nguyễn Đức Tài khẳng định với cổ đông tại phiên họp thường niên giữa năm ngoái. Ông nói “Từ lâu tôi đã không nhận ESOP”, đồng thời khẳng định không nhớ chính xác số lượng cổ phiếu đang nắm giữ mà chỉ ước chừng tỷ lệ sở hữu.
Trên thực tế, ông Tài đang nắm 35,13 triệu cổ phiếu, tương đương 2,4% vốn của Thế Giới Di Động. Những năm qua, khối lượng cổ phiếu của ông tăng do mua thêm hoặc nhận từ các đợt phát hành cổ phiếu thưởng. Tính theo giá trị thị trường ở mức 45.500 đồng trong phiên giao dịch 31/1, khối cổ phiếu của ông trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em – người đứng đầu các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Nhà thuốc An Khang xếp ở vị trí tiếp theo khi nhận về gần 1,8 tỷ đồng trong năm 2022. Thu nhập của ông Trần Huy Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là 1,23 tỷ đồng.
Kinh doanh không tốt, lương tháng 13 cũng không có
Theo nhận định của Ban lãnh đạo Thế Giới Di Động, 2022 là năm đầy thách thức do biến động khó lường của các yếu tố vĩ mô, từ đó tác động tiêu cực đến thu nhập và xu hướng tiêu dùng của người dân. Trong 3 tháng cuối năm, xu hướng thắt chặt chi tiêu được ghi nhận rõ rệt nhất, không chỉ với điện thoại, điện máy mà còn với thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.
Năm qua, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu tăng 8% lên 133.405 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận sau thuế đạt 4.100 tỷ đồng, đi lùi 16% và chỉ hoàn thành 65% kế hoạch đề ra. Công ty với kết quả này đã đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận kéo dài gần 1 thập kỷ, kéo theo đó là thu nhập của nhóm lãnh đạo cấp cao đã giảm hơn 2 tỷ đồng so với những năm trước.
Ông Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ rằng, Thế giới di động có nhiều chính sách đãi ngộ cho nhân viên lẫn lãnh đạo. Nếu công ty làm ăn tốt thì tài xế, bảo vệ có thể nhận thưởng 2-3 tháng lương; nhân viên văn phòng 3-7 tháng lương; quản lý siêu thị, trưởng bộ phận nhận 10-20 tháng và nhân sự chủ chốt còn cao hơn. Thế nhưng, nếu kinh doanh không tốt, “lương tháng 13 cũng không có”.