Việc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hoàng Minh (mã KPF, sàn HOSE) tăng vốn quá thần tốc cũng để lại những băn khoăn về khả năng sử dụng vốn hiệu quả. Tuy nhiên, đây có thể coi là ván bài “dám chơi, dám chịu” và chỉ dành cho những người rất hiểu biết về doanh nghiệp.
Tăng vốn thần tốc (Hiện tượng KPF)
KPF đang thực hiện đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trong đó có nội dung thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Quy mô phát hành lên tới 66,5 triệu cổ phiếu. Giá chào bán dự kiến là 13.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng giá trị cổ phiếu phát hành tính theo mệnh giá đạt tới 665 tỷ đồng. Tổng giá số tiền dự kiến thu về là 854,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đợt phát hành dự kiến quý IV/2021, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ phát hành.
Đợt phát hành này nếu thành công, giá trị vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng từ mức 580 tỷ đồng hiện nay lên mức 1.245 tỷ đồng.
Theo kế hoạch sử dụng vốn của KPF trong đợt phát hành lần này, công ty dự kiến sẽ dùng 250 tỷ đồng để tăng vốn góp cổ phần lại công ty con là Công ty cổ phần TTC Deluxe Sài Gòn để nhận chuyển nhượng cổ phần dự án (Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Đại Lải).
Ngoài ra, doanh nghiệp này dự kiến dành 245 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty cổ phần Trì Việt Hội An từ các cổ đông hiệu hữu; dành 369,5 tỷ đồng đầu tư mua 199 căn hộ du lịch thuộc sự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng.
Nhìn lại diễn biến tài chính của KPF thời gian gần đây có thể thấy doanh nghiệp này có tốc độ tăng vốn khá nhanh. Chỉ cách đây chưa đến 1 năm, vốn điều lệ hồi đầu năm 2021 của KPF chỉ ở mức hơn 180 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là hơn 260 tỷ đồng.
Tháng 3/2021, KPF đã hoàn tất một đợt phát hành tăng vốn điều lệ thông qua đợt chào bán thành công gần 40 triệu cổ phiếu. Trong đợt phát hành này, hơn 36 triệu cổ phiếu được công ty thực hiện phát hành ra công chúng, số cổ phiếu phát hành riêng lẻ là hơn 2,1 triệu cổ phiếu, còn lại là cổ phiếu phát hành để trả cổ tức.
Như vậy sau đợt phát hành hồi tháng 3/2021, vốn điều lệ của công ty đã tăng gấp hơn 3,2 lần lên 580 tỷ đồng. Với tốc độ tăng vốn như trên, nếu đợt phát hành tiếp theo dự kiến vào cuối năm 2021 của KPF được thực hiện theo đúng kế hoạch, vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng gấp hơn 2,1 lần hiện nay và tăng gấp hơn 6,9 lần so với đầu năm 2021.
***Điểm tin doanh nghiệp: HHV, BID, MLS***
KPF: Cuộc chơi 2 chiều
Cho đến thời điểm này, KPF tỏ ra vẫn thực hiện đúng cam kết với các cổ đông và nhà đầu tư về kế hoạch sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu lần trước.
“Mục đích của KPF trong đợt phát hành cổ phần lần 2/2021 theo công bố của công ty:
Đề xuất tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính để triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, cụ thể:
Đẩy mạnh kinh doanh bất động sản thông qua các hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập các doanh nghiệp kém hiệu quả.
Nâng quy mô vốn để đảm bảo nguồn lực cạnh tranh khi thực hiện các thương vụ hợp tác đầu tư.
Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay, giảm thiểu rủi ro về tài chính.”
Cụ thể, tổng số tiền mà công ty huy động được trong đợt phát hành hồi tháng 3/2021 là gần 424 tỷ đồng, theo kế hoạch sử dụng là dùng cho 3 mục đích chính.
Trong kế hoạch huy động vốn thời điểm phát hành, công ty dự kiến dùng 294 tỷ đồng góp vốn mua cổ phần của Công ty cổ phần TTC Deluxe Sài Gòn, 120 tỷ đồng góp vốn hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Khu phức hợp và nhà ở Phước Lợi. Số còn lại được dùng vào mục đích bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.
Công ty cho biết, tính đến tháng 9/2021, toàn bộ số tiền đã được sử dụng theo đúng kế hoạch như trên, không có sự thay đổi nào so với kế hoạch khi huy động vốn.
Tuy nhiên, “điểm gợn” đối với KPF là việc doanh nghiệp “phình to” khá nhanh, trong khi thành tích trong quá khứ của công ty lại chưa để lại nhiều ấn tượng cho lắm. Doanh thu 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này vẫn ở mức khá khiêm tốn chỉ với 42,6 tỷ đồng.
Cùng kỳ năm trước, doanh thu của doanh nghiệp thậm chí chỉ có 8 tỷ đồng, giai đoạn này giá vốn hàng bán bằng 0 nên lợi nhuận gộp cũng bằng với doanh thu thuần.
Mặc dù vậy, cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này cũng cho thấy công ty vẫn đang trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư. Số dư tài sản dở dang dài hạn ghi nhận tại thời điểm 30/6/2021 lên tới 867 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nằm ở chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn.
Lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm âm 717 tỷ đồng. Những khoản chi chủ yếu trong giai đoạn này là chi mua sắm xây dựng tài sản cố định, chi cho vay mua công cụ nợ của đơn vị khác, chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Bối cảnh hiện nay cho thấy bức tranh tương lai của KPF vẫn là một ẩn số không dễ phán đoán. Mặt lo ngại nằm ở chỗ, từ một doanh nghiệp có vốn 180 tỷ đồng chỉ mới hồi đầu năm, sau 2 đợt phát hành, vốn điều lệ tăng vọt lên 1.245 tỷ đồng có thể có vượt quá khả năng quản trị dòng vốn của những người “cầm lái” đối với doanh nghiệp hay không?
Ngược lại, một kịch bản khác cũng có thể đặt ra trước mắt doanh nghiệp là cũng rất có thể công ty đang có sẵn những nhà tài phiệt đứng đằng sau – chính là một số nhà đầu tư sắp mua cổ phần trong đợt phát hành tới – để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc.
Thông tin về đợt phát hành sắp tới là đợt phát hành riêng lẻ, theo đó, số lượng nhà đầu tư hạn chế (dưới 100 nhà đầu tư). Yêu cầu đối với nhà đầu tư phải là các nhà đầu tư có năng lực tài chính, đáp ứng các điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của Luật chứng khoán. Cổ phiếu phát hành lần này cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Với những yêu cầu và điều kiện của đợt phát hành này, nhà đầu tư tham gia đương nhiên phải hiểu rõ những rủi ro mà họ phải đối mặt khi lựa chọn “cuộc chơi”. Theo đó, doanh nghiệp nếu tuân thủ đúng các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, thì đây đơn giản có thể coi là một cuộc chơi “dám chơi, dám chịu”.
“Cuộc lột xác” của KPF
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của KPF đạt 42,6 tỉ đồng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của KPF cũng tăng 30 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 44,9 tỉ đồng, hoàn thành 91,6% kế hoạch lợi nhuận. Đây là kết quả mà KPF đạt được sau một loạt động thái tái cơ cấu.
Tháng 4/2021, KPF đã thâu tóm 98% cổ phần của CTCP TTC Deluxe Sài Gòn (TTC Deluxe Sài Gòn). Pháp nhân này hiện đang hợp tác với Công ty TNHH Xây dựng Tân Hải Huy nhằm thực hiện dự án khách sạn TTC Hotel tại 20-22-24 Đông Du, phường Bến Nghé, Quận1, Tp. HCM.
Bên cạnh đó, KPF đã chuyển nhượng hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Địa ốc Happy tại dự án Khu phức hợp và nhà ở Phước Lợi (Giai đoạn 1) cho Công ty TNHH Đầu tư Central Capital.
Ở chiều hướng ngược lại, KPF dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Cam Lâm (Cam Lâm) từ 93% xuống 30% vốn điều lệ, giá bán không thấp hơn 118,1 tỉ đồng.
Được biết, Cam Lâm là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resort and Hotels tại Lô D14C khu 4, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ra, xã Cam Lâm, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Dự án này được KPF phát triển từ nhiều năm nay, song đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Việc thoái vốn tại Cam Lâm được kỳ vọng sẽ giúp KPF củng cố năng lực tài chính để chuẩn bị cho các cơ hội đầu tư đem lại hiệu quả tốt hơn trong năm 2021.
Ban lãnh đạo KPF cho biết, công ty đang nghiên cứu khả thi và dự kiến đầu tư ở một loạt dự án như: Khu đô thị phố biển Marine City (28,2ha), Khu du lịch sinh thái vườn đồi Bãi Rạng (312ha), Khu du lịch Bình Tiên (180ha), Apus Resort (5ha), Khu đồi núi thuộc Khu đô thị xanh Vũng Chua (14,8ha) và dự án 289 phòng khách sạn cao cấp tại phường Mỹ An, Tp. Đà Nẵng./.