Theo thông báo của HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, đã hủy 3 nghị quyết ban hành vào tháng 12/2022 – nguồn cơn tạo ra xung đột về vị trí lãnh đạo tại doanh nghiệp này.
Hủy 3 nghị quyết – nguồn cơn nội chiến tại Tập đoàn Hòa Bình
Ngày 27/2, HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) thông báo nghị quyết chính thức hủy các nghị quyết 50, 51, 53 được ban hành vào các ngày 14/12, 31/12/2022.
Ngoài ra, HĐQT Tập đoàn Hòa Bình cũng thông qua việc ông Lê Viết Hải rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên.
Như vậy, cùng với việc ông Nguyễn Công Phú thông báo từ nhiệm thời điểm giữa tháng 2, sau gần 2 tháng, cuộc “nội chiến” tại Tập đoàn Hòa Bình chính thức ngã ngũ.
Như vậy, ông Lê Viết Hải vẫn làm lãnh đạo cao nhất tại Tập đoàn Hòa Bình. Hiện có 7 thành viên trong HĐQT của doanh nghiệp xây dựng này. Lê Viết Hiếu – Con trai ông Hải vẫn làm Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực công ty.
Tập đoàn Hòa Bình ngoài công bố hủy bỏ các nghị quyết liên quan đến tranh chấp chức vụ trong HĐQT còn thông báo kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp đặt ra lần lượt là 12.500 tỷ đồng và 125 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Bình năm 2022 đạt doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng với khoản lỗ ròng 1.140 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên mà doanh nghiệp xây dựng này báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đóng cửa phiên 28/2, cổ phiếu HBC ở mức giá 8.170 đồng. Cổ phiếu của tập đoàn Hòa Bình trong một tháng qua đã mất giá 22%, gấp 3 lần so với mức giảm của VN-Index trong cùng khoảng thời gian.
Cuộc “nội chiến” tại Công ty Hòa Bình
Theo thông cáo chính thức từ công ty, giữa tháng 12/2022, ông Nguyễn Công Phú được 8/8 thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bầu làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023 thay cho ông Lê Viết Hải – người muốn từ nhiệm nhằm tạo điều kiện pháp lý cho việc bổ nhiệm con trai Lê Viết Hiếu chính thức làm Tổng giám đốc công ty.
Thế nhưng, ngày cuối cùng của năm 2022, HĐQT Hòa Bình lại ban hành nghị quyết về việc hoãn thi hành bầu ông Phú làm Chủ tịch HĐQT. Đồng nghĩa với việc, ông Hải sẽ tiếp tục là người lãnh đạo cao nhất tại tập đoàn Hòa Bình.
Sau đó, trên truyền thông, ông Phú cùng 3 thành viên HĐQT khác đã công khai phản đối Nghị quyết trên. Cụ thể, ông Phú nói mình không tham gia cuộc họp ngày 31/12/2022, nghị quyết tiếp tục để ông Hải làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình là vi phạm điều lệ doanh nghiệp.
Trong khi ở chiều ngược lại, Tập đoàn Hòa Bình đã khẳng định, cuộc họp và nghị quyết hoãn thi hành bầu ông Phú, để ông Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT là hợp lệ.
Ông Phú cùng một số thành viên HĐQT của Tập đoàn Hòa Bình sau đó chính thức xuất hiện trước truyền thông là cho vụ việc trở nên nóng hơn. Theo đó, những người này tiết lộ nhiều nội dung liên quan đến các cuộc họp cùng một số vấn đề nội bộ liên quan đến hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp.
Trong khi đó, phía Tập đoàn Hòa Bình đưa ra tuyên bố rằng, hành vi của ông Phú cùng các thành viên liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật bởi không chỉ cung cấp thông tin mà còn phát tán tài liệu có tính nội bộ, bảo mật; thậm chí cố tình diễn giải sai bản chất.