Nghị quyết HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông qua trả cổ tức 2021 tỷ lệ 35%, trong đó 5% bằng tiền (mỗi cổ phiếu nhận 500 đồng). Với 4,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ phải bỏ ra 2.200 tỷ đồng để trả số cổ tức trên.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành thép này cũng sẽ phát hành thêm 1,34 tỷ cổ phiếu để trả nốt số cổ tức còn lại. Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm ngoái. Thời gian phát hành dự kiến là tháng 6 đến tháng 8 năm nay. Tổng giá trị theo mệnh giá là 13.400 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ của công ty lên 58.147 tỷ đồng.
Hiện nay, Chủ tịch Trần Đình Long cùng những người thân trong gia đình đang nắm giữ 1,56 tỷ cổ phiếu HPG (chiếm tỷ lệ 47,25% vốn). Như vậy, sau đợt trả cổ tức, gia đình ông Long có thể nhận về khoảng 784 tỷ đồng tiền mặt và 737 triệu cổ phiếu.
Theo số liệu của ông Long chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, số cổ đông của Hòa Phát tại thời điểm chốt danh sách họp vào đầu tháng 4 là 161.000 người, nhiều nhất sàn chứng khoán Việt Nam khiến nhiều người gọi cổ phiếu của công ty là “cổ phiếu quốc dân”.
Theo số liệu của HoSE, cổ phiếu HPG là cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất năm 2021 khi đạt 336.298 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,7% trên sàn. Đây còn là cổ phiếu đứng thứ hai về khối lượng giao dịch khi đạt 6,6 tỷ đơn vị.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/5, thị giá HPG đang ở mức 35.450 đồng/đơn vị, giảm 27,3% so với đầu năm.
Thị giá cổ phiếu HPG. Nguồn: TradingView
Tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm nay, nhiều cổ đông đã có ý kiến tăng chia cổ tức 2021 lên mức 40% với 10% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, Giám đốc Tài chính Phạm Thị Kim Oanh cho biết lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính công ty mẹ là hơn 17.000 tỷ đồng, tương ứng mức chia ở mức tối đa là 38%. Phần vốn của công ty mẹ quá thấp nếu so với các công ty thành viên. Vì vậy, mức cổ tức tối đa có thể chia là 35%, trong đó có 5% bằng tiền mặt.
Trong quý I, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 44.400 tỷ đồng, tăng 41%; lợi nhuận sau thuế 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất gang thép và các sản phẩm thép đóng góp 90% vào kết quả chung.
Kế hoạch kinh doanh năm nay công ty trình cổ đông gồm doanh thu 160.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 25.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận tăng trưởng gần 7% về mặt doanh thu nhưng giảm từ 13% đến 27,5% về lợi nhuận.
Trước nhiều ý kiến cho rằng công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp, ông Long cho rằng các cổ đông sẽ thấy được những khó khăn của ngành thép sau kết quả kinh doanh quý II, quý III và cả năm “thê thảm” nên ban lãnh đạo công ty phải đặt ra mục tiêu thận trọng. Kế hoạch năm nay được đánh giá là thách thức.
Tuy nhiên, về dài hạn, vị Chủ tịch đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất tự tin Hòa Phát sẽ không ngừng lại, sẽ liên tục tiến lên. Tập đoàn đang triển khai dự án Dung Quất 2 và đồng thời nghiên cứu về Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam.