Theo chia sẻ của tập đoàn Hòa Phát, gần 2 năm qua, doanh nghiệp này đã xuất khẩu thép dự ứng lực sang nhiều quốc gia.
Thép dự ứng lực được Hòa Phát xuất sang nhiều nước
Ngày 15/9, Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ thông tin, gần 2 năm qua, Hòa Phát đã xuất khẩu thép dự ứng lực sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo tìm hiểu, từ đầu năm 2021, tập đoàn này đã bắt đầu sản xuất, cung cấp ra thị trường cáp thép dự ứng lực.
Thép cuộn chất lượng cao của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) là nguyên liệu đầu vào chính nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng đầu vào và thành phẩm đầu ra.
Được biết, sản phẩm này đáp ứng được các tiêu chuẩn ASTM A416/A416M-17 của Mỹ. Tính chất cơ lý, độ bền kéo nén cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật khác đều được bảo đảm.
Những công trình quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật, khả năng chịu tải, độ an toàn cao như: Tháp, cầu vượt biển, cầu cạn, cáp treo, nhà cao tầng… sẽ sử dụng thép dự ứng lực.
Sản phẩm thép dự ứng lực của Hòa Phát được sử dụng rộng rãi ở thị trường trong nước. Ngoài ra, nó còn được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể kể đến như Mỹ, Singapore, Canada, Myanmar, Brazil, Malaysia, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Srilanka…
Hòa Phát đã xuất khẩu cáp thép dự ứng lực – PC Strand trong 8 tháng đầu năm 2022 là 22 nghìn tấn, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 54%.
Kế hoạch của Hòa Phát là cuối tháng 9 này, tập đoàn sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền PC Strand số 2 tại Nhà máy thép dự ứng lực thuộc Khu kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi. Mục đích là để tăng sản lượng loại thép này lên gấp 2 lần 2021.
Không những vậy, Tập đoàn Hòa Phát trong năm 2022 còn dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất phụ kiện kim loại để phục vụ xây dựng, cầu đường, góc vỏ container, đồng thời phục vụ Nhà máy sản xuất vỏ container Hòa Phát tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hòa Phát tháng 8
Tháng 8, sản lượng bán hàng của Hòa Phát đạt 628.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC), tăng 19% so với tháng 7 và tương đương với mức cùng kỳ năm trước (620.000 tấn).
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, sản lượng thép xây dựng đạt cao nhờ chủ yếu vào thị trường tiêu thụ nội địa có nhiều khả quan hơn so với thời gian trước. Tại cả 2 miền, hoạt động bán hàng đều tăng mạnh. Trong đó, miền Bắc tăng 54%, miền Trung tăng 39%, miền Nam tăng gấp 2 lần cùng kỳ, mạnh nhất.
Dự kiến, cuối năm là mùa cao điểm xây dựng, Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tiến độ các dự án trọng điểm nên thị trường tiêu thụ thép sẽ khả quan.
Lũy kế 8 tháng, 5,5 triệu tấn thép thô được sản xuất, tăng 2% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và HRC tăng 5% so với 8 tháng đầu năm 2021, đạt 5,14 triệu tấn. Thép xây dựng tăng 27%, đạt 3,1 triệu tấn. Trong đó, hoạt động xuất khẩu đạt 990.000 tấn, chiếm 32%, tăng 82% so với 8 tháng 2021.
Qua 8 tháng, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 1,8 triệu tấn HRC, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm hạ nguồn như ống thép, tôn mạ của Tập đoàn đạt lần lượt 491.000 và 226.000 tấn, tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Hòa Phát hiện có năng lực sản xuất thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm. Thép xây dựng và ống thép của Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam, lần lượt là 36,4% và 29%.