Lô trái phiếu trị giá hơn 1 nghìn tỷ được Hoàng Anh Gia Lai xin rời thanh toán sang quý II/2023.
Lý do Hoàng Anh Gia Lai xin dời lịch thanh toán trái phiếu
Phía Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã: HAG) vừa thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu tới hạn đối với mã trái phiếu HAGLBOND16.26 tổng giá trị cần thanh toán hơn 1.021 tỷ đồng.
Theo đó, lịch trả nợ lô trái phiếu này là vào ngày 30/12/2022. Trong đó, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ đồng, khoản tiền lãi là hơn 140 tỷ đồng. Phía công ty đã xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023.
Tập đoàn này cho hay: “Nguồn tiền để thanh toán là từ khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của tập đoàn”. Và đây là nguyên nhân của việc chậm thanh toán lô trái phiếu này.
Tháng 9/2022, HAGL Agrico thực tế đã hoàn tất trả nợ một phần số tiền 600 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai. Doanh nghiệp này chỉ còn nợ doanh nghiệp của bầu Đức khoảng 1.520 tỷ đồng. Theo đó, phía HAGL Agrico sẽ được nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 9.470 ha và các tài sản trên đất thuộc sở hữu Công ty TNHH Hoàng Anh Andoung Meas.
Được biết, giao dịch trên là một trong các bước của lộ trình trả nợ 3 bên giữa HAGL, HAGL Agrico và ngân hàng BIDV. Thỏa thuận cam kết nghĩa vụ nợ với ngân hàng đã được các bên đã ký kết.
Theo thỏa thuận này, Hoàng Anh Gia Lai cam kết rằng sẽ tách bạch, giải chấp/giải trừ nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của HAGL Agrico và công ty con của doanh nghiệp này ra khỏi nghĩa vụ nợ trái phiếu HAGLBOND16.26. Cùng với đó, tài sản của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đảm bảo cho nghĩa vụ đối với trái phiếu của tập đoàn.
Tách bạch nghĩa vụ nợ và trả nợ của các bên trong các khoản vay, trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trong giai đoạn trước, thời điểm mà HAGL Agrico vẫn còn là công ty con của HAGL là mục đích chính.
Tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai tái cơ cấu mạnh
Hồi giữa tháng 10/2022, trong một thông báo của mình, Hoàng Anh Gia Lai cho biết chỉ còn 2 khoản trái phiếu thường, gồm có: Khoản trái phiếu 5.271 tỷ đồng (phát hành 30/12/2016 – đáo hạn 30/12/2026) và lô trái phiếu 300 tỷ đồng (phát hành 18/6/2012 – đáo hạn 30/9/2023). Theo đó, các khoản này đều có đầy đủ tài sản đảm bảo cho dư nợ hiện tại.
Một trong những mục tiêu mà chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức đặt ra cho Hoàng Anh Gia Lai trong công cuộc tái cấu trúc chính là giảm áp lực nợ. Dự kiến của tập đoàn này chính là bán thêm cổ phần và các tài sản khác nhằm dứt khoát các khoản nợ ngân hàng, bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh mới.
Tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai đã tái cơ cấu mạnh. Từ đỉnh điểm hơn 35.000 tỷ đồng vào năm 2016, đến quý III/2022 đã giảm về mức hơn 14.000 tỷ đồng. Trong đó giá trị vay nợ ngân hàng, nợ trái phiếu cùng với các bên khác còn khoảng 8.600 tỷ đồng.
Theo báo cáo kinh doanh 11 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai đã thu về doanh thu 4.100 tỷ đồng từ cây ăn trái và chăn nuôi. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ở mức 1.115 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2014 đến nay, hoàn thành 99% kế hoạch năm (1.120 tỷ).
Tập đoàn vẫn phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế rất lớn, lên tới gần 3.600 tỷ đồng ở thời điểm cuối tháng 9 dù đang có những bước tiến lớn về kinh doanh. Khoản lãi nghìn tỷ đồng của năm nay chưa thể giúp công ty xóa hết lỗ các năm trước. Do đó, cổ phiếu của công ty vẫn nằm trong diện bị kiểm soát.