Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay, trong tương lai, khu vực miền Nam sẽ có hơn 20 cụm cảng thủy hàng hóa được đầu tư.
Sự phân bổ cảng thủy hàng hóa ở miền Nam
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) thì đây là quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hơn 20 cụm cảng thủy hàng hóa được đầu tư gồm có:
Vùng Đông Nam Bộ có 8 cụm cảng, trong đó 4 cụm cảng thuộc địa phận TP.HCM. Các cụm cảng còn lại thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong số các cụm cảng thuộc vùng Đông Nam Bộ thì 2 tuyến đường thủy trọng điểm gồm có sông Sài Gòn, Đồng Nai thuộc các địa phận như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh sẽ được bổ sung thêm hàng loạt cảng thủy được xây dựng mới.
Sông Sài Gòn thuộc địa bàn TP.HCM hiện đang có 6 cảng gồm Transimex, Trường Thọ, Phúc Long, ICD TANAMEXCO, Nhiệt điện Thủ Đức, Kho vận miền Nam sẽ được bổ sung thêm cảng Củ Chi ở huyện Củ Chi với công suất 1.200 tấn. Ngoài ra, song Sài Gòn cũng được bổ sung 2 cảng khác nhưng chưa xác định được vị trí, thuộc cụm cảng trung tâm và Bắc TP.HCM.
Ngoài cảng An Sơn thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương tới đây sẽ xây dựng một số cảng mới như: An Tây, Rạch Bắp thuộc TX.Bến Cát; Bến Súc, Thanh An (huyện Dầu Tiếng), Dầu Tiếng (gồm cảng Phú Cường Thịnh) và 1 cảng khác cũng chưa xác định được vị trí.
Tại tỉnh Tây Ninh, một số cảng được xây dựng mới gồm cảng Hưng Thuận-Trảng Bàng, Phước Đông (thuộc TX.Trảng Bàng) và cảng Dương Minh Châu (thuộc huyện Dương Minh Châu). Ngoài ra, một cảng khác chưa được xác định vị trí cũng sẽ được xây dựng tại đây. Các cảng này đón tàu 2.000-3.000 tấn với công suất 500-1.500 tấn.
Ngoài 1 cảng đang nằm trong quy hoạch, tỉnh Bình Dương còn được bổ sung thêm các cảng như Thái Hòa (thuộc TX.Tân Uyên); cảng Tân Vạn và Bình Thắng (thuộc huyện Dĩ An), cảng Khánh Bình (thuộc huyện Tân Uyên), cảng Thường Tân (thuộc huyện Bắc Tân Uyên) và 1 cảng khác chưa được xác định vị trí. Với quy hoạch công suất 300-4.500 tấn, các cảng này có thể đón được tàu trọng tải 3.000 tấn.
Tỉnh Đồng Nai hiện đang có 4 cảng. Trong thời gian tới, tỉnh này được quy hoạch thêm một số cảng mới gồm: Cảng Trameco và Biên Hòa (gồm cảng Tín Nghĩa); cảng Thủy bộ Đồng Nai (TP.Biên Hòa); cảng Vĩnh Tân (thuộc huyện Nhơn Trạch) và cảng khác cũng chưa xác định vị trí. Các cảng này được quy hoạch công suất 700-1.500 tấn, có thể đón tàu từ 2.000-5.000 tấn.
Đối với tuyến sông Đồng Nai thuộc địa bàn TP.HCM hiện đang có 2 cảng. Theo quy hoạch, tuyến này sẽ được bổ sung 1 cảng nhưng chưa xác định vị trí, thuộc cụm cảng Đông TP.HCM.
Ý nghĩa của việc phát triển đường thủy nội địa
Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển Logistics vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển vào sáng 14/10/2021, đã có rất nhiều ý kiến tham luận được đưa ra. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Bộ Giao thông vận tải xác định vận tải thủy đóng vai trò trọng điểm của quốc gia bởi nó không chỉ đóng vai trò là trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy mà còn kết nối cả với các cảng biển.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Thể, vận tải thủy đến nay phát triển chưa tương xứng với lợi thế cũng như tiềm năng của đất nước. Đặc biệt, giữa vận tải thủy phía Nam -phía Bắc có sự chênh lệch lớn.
Theo Cục trưởng Bùi Thiên Thu, nếu muốn vận tải đường thủy nội địa phát triển thì cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với với các hiệp hội, doanh nghiệp Vận tải – Cảng – Logistics cũng như các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Ngoài ra, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, giao cho UBND TP.Hải Phòng, UBND TP.Hồ Chí Minh xem xét về việc miễn phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa. Việc này sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh, dịch chuyển cơ cấu vận tải, hàng hóa chuyển từ đường bộ xuống đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, trên tuyến hành lang vận tải thủy chính, các điểm nghẽn, tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng cần được giải quyết triệt để. Theo đó, ở khu vực phía Bắc là tĩnh không cầu Đuống, điểm đen khu vực ngã ba Kèo, Ngã ba Trại Sơn. Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, tĩnh không cầu Bình Triệu cũ, cầu Sa Đéc, cầu Đồng Nai cũ.
Việc này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy xu hướng vận chuyển hàng container bằng phương tiện thủy nội địa từ cảng biển cửa ngõ vào sâu trong nội địa.
Trong đó, khuyến khích và hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, nhằm kết nối thuận lợi một cách tối đa với đường bộ, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn với công nghệ bốc xếp hiện đại. Từ đó, tiến tới hình thành các Trung tâm logistics đường thủy nội địa, tham gia vận tải đa phương thức.
Đồng thời nghiên cứu phát triển phương tiện thủy nội địa chuyên dùng, phương tiện chở container phù hợp với đặc thù kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo từng khu vực và tuyến vận tải ven biển.
Cát Anh (T/h)