Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên cuối tuần rung lắc dữ dội khi VN-Index liên tục đảo chiều trong biên độ khoảng 30 điểm. Áp lực chốt lời sau 2 phiên tăng mạnh rất nhiều cổ phiếu “hụt hơi” và chìm trong sắc đỏ tuy nhiên vẫn có những điểm sáng tích cực, nổi bật là HPG của Tập đoàn Hòa Phát.
“Cổ phiếu quốc dân” tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng và có thời điểm chạm trần trước khi đóng cửa phiên 18/11 với mức tăng 6%. Đây cũng là phiên tăng mạnh thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu đầu ngành thép. Không chỉ bứt phá về giá, giao dịch trên HPG cũng bùng nổ với khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục xấp xỉ 100 triệu cổ phiếu. Giá trị khớp lệnh lên đến gần 1.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/8 thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE.
Sau liên tiếp những phiên bứt phá mạnh, thị giá HPG đã tăng hơn 25% từ đáy, lên mức 15.100 đồng/cổ phiếu tương ứng vốn hóa thị trường lấy lại 18.000 tỷ đồng. Dù vậy, mức vốn hóa gần 88.400 tỷ đồng doanh nghiệp đầu ngành thép thời điểm hiện tại chỉ bằng khoảng 1/3 so với đỉnh đạt được cách đây chừng một năm.
Thời kỳ đỉnh cao, giá trị tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long thậm chí đã lên đến hơn 3 tỷ USD. Con số này sau đó đã liên tục giảm cùng với chiều đi xuống của cổ phiếu HPG và có thời điểm chỉ còn 938 triệu USD vào ngày 10/11. Tuy nhiên, đà hồi phục mạnh mẽ của cổ phiếu HPG đã nhanh chóng đưa ông Trần Đình Long trở lại danh sách tỷ phú USD. Theo Forbes, đến ngày 18/11/2022, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát là 1,2 tỷ USD.
Sự trở lại của HPG có động lực rất lớn đến từ khối ngoại khi liên tục mua ròng thời gian gần đây. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu HPG trong 6 phiên liên tiếp với tổng giá trị gần 850 tỷ đồng. Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 1.700 tỷ đồng trên HPG trong tháng 10 và tiếp tục nối dài xu hướng cho đến những ngày đầu tháng 11.
Với việc dòng vốn từ khu vực Đông Á và Thái Lan đang không ngừng chảy vào chứng khoán Việt Nam qua kênh ETF, cổ phiếu HPG có thể sẽ tiếp tục được mua ròng nhờ hiện diện trong nhiều rổ chỉ số quan trọng như VN30, FTSE Vietnam Index, FTSE Vietnam 30 Index,… Ngoài ra, một số quỹ ngoại chủ động thuộc Dragon Capital, VinaCapital,… cũng có thể đã gom lại cổ phiếu đầu ngành thép sau giai đoạn giảm sở hữu trước đó.
Bên cạnh định giá hấp dẫn khi P/B về dưới 1, một trong những yếu tố được đánh giá có thể kích thích dòng tiền trở lại cổ phiếu HPG đến từ một số tín hiệu có thể là tiền đề cho sự hồi phục của ngành thép.
Theo VNDirect, giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-24 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại. Ngoài ra, Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.
Mặt khác, VNDirect cho rằng tốc độ phục hồi vẫn khá chậm mặc dù dự báo biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát sẽ sớm chạm đáy. CTCK này giảm khoảng 45,3-52,6% dự phóng lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đầu ngành thép giai đoạn 2022-24 chủ yếu đến từ việc phản ánh kết quả thất vọng trong quý 3 vừa qua, trong đó sản lượng tiêu thụ thép giảm 4,5% và biên lãi gộp thu hẹp so với dự báo trước đó.