Hưng Thịnh Land dự kiến sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào năm 2023.
Lộ trình của Hưng Thịnh Land
Hưng Thịnh Land được đánh giá là đã có những bước triển khai lộ trình IPO, tiến tới niêm yết trên sàn cẩn trọng, đúng quy định với lộ trình phù hợp. Thương vụ IPO của Hưng Thịnh Land được kỳ vọng giúp doanh nghiệp này có thể phát triển nguồn lực mới trong dài hạn, tăng tính minh bạch trong các hoạt động hợp tác đầu tư và kinh doanh dự án.
Hưng Thịnh Land mới đây đã hoàn tất giao dịch vốn cổ phần với 2 đối tác lớn là Dragon Capital và VinaCapital, trị giá 103 triệu USD. Sau giao dịch này, lần đầu tiên Hưng Thịnh Land bước vào thị trường vốn quốc tế, tạo ra nền tảng thuận lợi để phát triển những định hướng chiến lược dài hạn.
Doanh nghiệp còn có sự hậu thuẫn của McKinsey – đơn vị tư vấn quốc tế cùng những đối tác danh tiếng trong và ngoài nước để thiết lập và thực hiện chiến lược.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau đại dịch, kết quả kinh doanh tốt ngay trước thềm niêm yết, thương vụ IPO của Hưng Thịnh Land được nhận định là một trong những thương vụ đáng mong chờ nhất trong ngành bất động sản.
Những chỉ số tài chính đầy khởi sắc
Theo nhận định của chuyên gia đến từ SSI, tiềm lực, đà tăng trưởng đã được thể hiện rõ trong báo cáo tài chính của Hưng Thịnh Land, tính đến ngày 31/12/2021.
Cụ thể, hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ đem đến doanh thu gấp 3 lần so với năm 2020, đạt 4.995 tỷ đồng. Trong số đó, gần 40% doanh thu từ bàn giao hơn 1.000 sản phẩm đến khách hàng trong năm 2021 – dù giai đoạn đó, Covid-19 khiến cho thị trường bất động sản gặp nhiều bất lợi.
Lợi nhuận sau thuế của Hưng Thịnh Land cũng tăng gấp 4 lần so với thời điểm cuối năm 2020, đạt 1.697 tỷ đồng.
Trong khi biên lợi nhuận gộp luôn ổn định ở mức gần 54% thì biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này cũng đạt hơn 34%. Trên bảng xếp hạng, Hưng Thịnh Land nằm trong top đầu doanh nghiệp bất động sản có biên lợi nhuận cao trên thị trường.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của công ty tăng 2,5 lần so với năm 2020, đạt 51.393 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp này tăng mạnh và theo sát chiến lược tái cấu trúc tổng thể của Tập đoàn Hưng Thịnh. Tập đoàn này vẫn đang tiếp tục chuyển giao toàn bộ mảng phát triển bất động sản cho Hưng Thịnh Land.
Tổng hàng tồn kho, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hưng Thịnh Land tăng mạnh so với cuối năm 2020, đạt 16.593 tỷ đồng. Chúng là giá trị quỹ đất Hưng Thịnh Land đang sở hữu ở nhiều dự án, có thể kể đến như Lavita Thuận An (Bình Dương), Ghềnh Ráng, Grand Center, Trường Thọ (TP HCM), MerryLand Quy Nhơn (Bình Định).
Khoản phải thu ngắn và dài hạn của công ty tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 16.771 tỷ đồng, đến chủ yếu từ các khoản đặt cọc với mục đích hợp tác đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, nhận chuyển nhượng dự án.
Ở thời điểm cuối năm 2021, tổng vốn chủ sở hữu của Hưng Thịnh Land đạt 15.313 tỷ đồng, tăng 2,3 lần. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2020, vốn điều lệ tăng 74% lên 9.379 tỷ đồng.
Năm 2021, trong bối cảnh toàn thị trường đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hưng Thịnh Land đã có những giải pháp chuyển đổi phương thức kinh doanh và chăm sóc khách hàng linh hoạt để thực hiện mục tiêu “Tạo dựng chốn an cư cho cộng đồng và kiến tạo những giá trị mới”.
Năm 2021, Hưng Thịnh Land đưa những sản phẩm bất động sản đa dạng, giá cạnh tranh ra thị trường trong bối cảnh thị trường đối mặt với dịch bệnh diễn biến phức tạp. Được biết, gần 5.100 sản phẩm với tổng giá trị gần 16.000 tỷ đồng được đưa ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của Hưng Thịnh Land khá tích cực khi hơn 2.000 sản phẩm được thị trường đón nhận với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2022, công ty mang về doanh thu 10.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3.375 tỷ đồng.