Quy định hạn chế lượng điện của nhà cung cấp điện quốc gia Iceland đang khiến những thợ đào Bitcoin mới “điêu đứng”.
Cụ thể, từ sau ngày 7 tháng 12, các yêu cầu về điện của thợ đào Bitcoin mới sẽ không được nhà cung cấp năng lượng Iceland chấp thuận.
Được biết, Công ty năng lượng Landsvirkjun (thuộc quyền sở hữu của chính phủ) đã đưa ra quy định cắt giảm lượng điện mà họ sẽ cung cấp đối với một số công ty nhất định, trong đó có nhà máy luyện nhôm và các công ty khai thác Bitcoin.
Người đại diện của nhà cung cấp điện lực quốc gia Iceland cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này, bao gồm vấn đề tại nhà máy sản xuất điện, mực nước trong hồ chứa nước thủy lực xuống thấp, và gặp khó trong việc tiếp cận nguồn điện từ nhà cung cấp ngoại quốc.
Chính vì vậy, việc giảm cung cấp năng lượng tại một số công ty công nghiệp và công ty khai thác Bitcoin phía Tây Nam là điều bắt buộc đối với Landsvirkjun.
Khu vực này từ lâu đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp khai thác, vì sự sẵn có của năng lượng địa nhiệt. Chính vì vậy, nguồn cung năng lượng tái tạo của khu vực này sẽ dồi dào và tiết kiệm chi phí hơn.
Hiện chưa rõ nhà cung cấp năng lượng từ chối yêu cầu tiếp cận điện của thợ đào Bitcoin mới đến khi nào.
Tiềm lực của Iceland trong khai thác Bitcoin
Tại Iceland có 3 doanh nghiệp khai thác Bitcoin lớn đang xây dựng hoạt động là Hive Blockchain Technologies, Genesis Mining và Bitfury Holding của Canada.
Trong hơn một thập kỷ vừa qua, các thợ đào Bitcoin ở Iceland đã rất nỗ lực để thực hiện cam kết với chính phủ về việc khai thác Bitcoin đi đôi với bảo vệ môi trường.
Vào năm 2013, doanh nghiệp Cloud Hashing đã đưa 100 thợ đào đến Iceland.
Vào tháng 11 năm 2017, HydroMiner GmbH – một doanh nghiệp khai thác của Áo, đã huy động được khoảng 2,8 triệu USD trong đợt phát hành coin đầu tiên (ICO) để tiến hành các dàn máy đào trực tiếp tại các nhà máy sản xuất điện của Iceland.
Năng lượng không tái tạo chỉ chiếm dưới 1% tổng sản lượng điện của Iceland.
Ngoài hoạt động khai thác Bitcoin, công nghiệp luyện nhôm cũng chịu ảnh hưởng từ việc cắt giảm lượng điện này. Sự tăng vọt nhu cầu cùng sự thiếu hụt nguồn cung nhôm đã khiến giá mặt hàng này tăng 1,1% trong ngày 7 tháng 12.
Trong năm 2021, nỗ lực về “green blockchain” sẽ phủ sóng toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 khai mạc tại Glasgow, Scotland, các nhà lãnh đạo tư tưởng đã giải quyết vấn đề khai thác Bitcoin tiêu tốn nhiều năng lượng.
Trong cùng ngày, Tổ chức Công dân Thống nhất GloCha (UCO) về trao quyền khí hậu đã được ra mắt. Tổ chức này sẽ áp dụng công nghệ blockchain với các mục tiêu về biến đổi khí hậu nhiều hơn nữa.
Iceland là quốc gia được rất nhiều “ông lớn” về khai thác Bitcoin lựa chọn, điều làm nên sức hấp dẫn của quốc gia này đối với thợ đào là khí hậu lạnh, chi phí năng lượng rẻ và đường truyền internet tốt.