Giữa bất ổn chính trị và kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xem xét về việc có hay không viện trợ cho Ukraine khoản tiền lên tới 1,3 tỷ USD.
Ukraine có tìm được lối thoát?
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang bước vào những giai đoạn leo thang mới, nhất là sau khi Moskva sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine vào lãnh thổ của Nga bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Bước đi mạo hiểm này của Nga vấp phải sự phản đối kịch liệt, như một tuyên bố thép về một cuộc chiến không hồi kết giữa Nga và Ukraine cũng như khiến thế giới thêm một nỗi lo lớn.
Quý IV có đón nhận những cơn đau mới?
Trong khi Tổng thống Putin quyết bảo vệ lãnh thổ Nga, thì Kiev đã nộp đơn xin gia nhập NATO.
Thế nhưng có vẻ như hành động của phía Ukraine đã quá vội vàng. Nếu Tổng thống Zelensky cho rằng, trên thực tế, Ukraine đã là một “đồng minh NATO” thì Tổng thư lý NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO không tham gia vào xung đột Ukraine. Ngoài ra, việc Ukraine muốn gia nhập NATO cần nhận được cái gật đầu của 30 thành viên liên minh.
Bất ổn chính trị kéo dài khiến tình hình kinh tế của nước này chịu thiệt hại.
CPI tháng 8 của Ukraine cao ngất ngưởng ở mức 23,8% – mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2016, vượt mức dự đoán của Ngân hàng Trung ương là 23%.
Chi phí lương thực và thức uống không có cồn tăng 30,7%, các mặt hàng thiết yếu như đường và trứng tăng 22,2%, giá vận chuyển hàng hóa tăng 40,4%, chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng tăng 0,5%.
Tình hình lạm phát căng thẳng ở quốc gia Đông Âu khiến nhiều nhà hoạch định kinh tế đau đầu, nhất là khi sự tác động của xung đột biên giới ngày một rõ nét.
Chi phí vận tải và nguồn cung tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa và bảng cân đối thu chi của các hộ gia đình. Không chỉ vậy, đồng hryvnia mất giá cũng trở thành gánh nặng lớn với nền tài chính Ukraine.
IMF xem xét giải ngân tiếp khoản tiền 1,3 tỷ USD
Tình hình xung đột tại Ukraine sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại ít nhất 2.800 tỷ USD.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu “Nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng đa tầng đang diễn ra”.
Trong động thái khác, ban điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) lên kế hoạch xem xét yêu cầu xin viện trợ 1,3 tỷ USD của Ukraine.
Mọi tài liệu sẽ được chuẩn bị, họ tin rằng phía Ukraine nhận được đủ sự đảm bảo tài chính từ các đối tác lớn nhằm đáp ứng được yêu cầu cơ cấu nợ của IMF, hy vọng Ukraine có đủ điều kiện để nhận được sự cứu trợ từ IMF.
Nếu khoản vay được thông qua, 1,3 tỷ USD sẽ được đưa ra dưới hình thức cho vay khẩn cấp ứng phó “cú sốc lương thực” mà đại hội đồng phê chuẩn vào tuần trước.
Vào ngày 17/10, dự kiến một cuộc họp giữa các chuyên viên tài chính của IMF và phía chính phủ Ukraine sẽ diễn ra tại Vienna (Áo).
Cuộc thảo luận xoay quanh các vấn đề ngân sách và chính sách tiền tệ của Ukraine, theo sau đó, một cuộc họp thường niên cấp cao sẽ được tổ chức vào cuối tuần tới giữa WB và IMF.
Phía IMF dành nhiều lời khen ngợi chính phủ Ukraine và ngân hàng trung ương nước này trong cuộc chiến chống lại các cú shock lớn kinh tế sau khi trải qua 6 tháng xung đột với Nga.
Vào hồi tháng 3, IMF cũng đã giải ngân số tiền 1,4 tỷ USD cho Ukraine.
Theo IMF, khoản tiền này được phê duyệt theo công cụ Tài trợ Nhanh (RFI) của IMF, tương đương 50% hạn mức của Ukraina trong IMF, sẽ giúp tài trợ cho các nhu cầu chi tiêu khẩn cấp trong ngắn hạn ở Ukraina.
RFI là chương trình cung cấp tài trợ nhanh chóng cho tất cả các nước thành viên IMF. Các thành viên có thể nhờ đến RFI liên tục trong bất kỳ khoảng thời gian 3 năm nào trong trường hợp có nhu cầu giải quyết các khoản thanh toán khẩn cấp do chịu một cú sốc từ bên ngoài.
Các quan chức Ukraine vẫn đang thúc giục IMF tiếp tục viện trợ các khoản tiền bổ sung theo chương trình chính thức của IMF, tuy nhiên việc này có thể không diễn ra sớm như yêu cầu.
Trader_Z
Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.