Theo thông tin từ Bộ trưởng cấp cao Indonesia Luhut Pandjaitan, nước này đã cấp phép xuất khẩu khoảng 302.000 tấn dầu cọ.
Indonesia đẩy nhanh quá trình cấp phép xuất khẩu dầu cọ
Kể từ khi bắt đầu lại hoạt động xuất khẩu, Bộ trưởng cấp cao Indonesia Luhut Pandjaitan mới đây cho biết, nước này đã cấp phép xuất khẩu khoảng 302.000 tấn dầu cọ. Vị này cũng trấn an nông dân cùng các nhà xuất khẩu về việc chính quyền sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép.
Indonesia vốn là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Trước đó, để kiểm soát giá tăng cao trong nước, nước này đã tạm dừng xuất khẩu dầu để nấu ăn từ ngày 28/4.
Từ ngày 23/5, Chính phủ cho phép xuất khẩu dầu trở lại. Nhưng chính phủ cũng đưa ra các chính sách nhằm bảo vệ nguồn cung trong nước, trong đó có DMO (Nghĩa vụ Thị trường Nội địa). Có nghĩa là, các nhà sản xuất phải bán một phần sản phẩm của mình trong nước.
Theo các nhóm ngành và thương nhân, chính sách thay đổi gây ra hạn chế trong việc cấp giấy phép xuất khẩu. Vì thế, giá dầu cọ toàn cầu được giữ ở mức cao trong khi ở Malaysia, sản lượng dầu cọ cũng yếu.
Điều chỉnh thuế xuất khẩu
Ngày 03/6 Hiệp hội Dầu cọ Indonesia cho biết, do thiếu hàng xuất khẩu nên một số nhà máy dầu cọ đã ngừng mua trái cọ từ nông dân. Trong khi đó, người nông dân lại phàn nàn về việc giá loại trái cây này chưa phục hồi về mức trước lệnh cấm xuất khẩu, khi giảm tới 75%.
Bộ trưởng cấp cao Luhut Pandjaitan nói rằng, nếu giá trái cọ người nông dân bán vẫn còn quá thấp, sẽ thực hiện các biện pháp tăng tốc. Ông còn nhắc lại về việc, Chính phủ Indonesia dự kiến hạn ngạch xuất khẩu dầu cọ rơi vào khoảng 1 triệu tấn. Trong khi bình thường, mỗi tháng nước này xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn sản phẩm dầu cọ.
Sau khi nối lại xuất khẩu, trong giai đoạn chuyển tiếp, phía Chính phủ sẽ yêu cầu các công ty dầu cọ bán 300.000 tấn dầu ăn/tháng theo chương trình DMO.
Ở một cuộc họp tương tự, Bộ Kinh tế Indonesia thông tin, thuế xuất khẩu và một quy định đã được chính phủ điều chỉnh và sẽ sớm ban hành.
Bên cạnh mức thuế trần xuất khẩu 200 USD/tấn thì Indonesia hiện áp dụng mức thuế tối đa 375 USD/tấn đối với dầu cọ thô xuất khẩu. Hồi tháng 3, mức trần thuế đã được nâng lên để khuyến khích bán hàng trong nước nhiều hơn.