Trong giai đoạn từ 2021-2025, TP.Hà Nội đặt mục tiêu phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh, nhiều kế hoạch phát triển kinh tế của Hà Nội được chú trọng.
Nghị quyết số 20/NQ-HDND về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm (2021-2021) của Hà Nội đã được Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 2 thông qua. Về kinh tế, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.
Ngoài ra, TP.Hà Nội cũng đặt mục tiêu tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa.
Kinh tế: Phấn đấu GRDP bình quân đạt 7,5%
TP Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 7,5% với 2 kịch bản.
Kịch bản 1: GRDP tăng khoảng 7,5%. Trong đó, năm 2021 tăng từ 3,97-4,54%, từ 2022-2025 tăng từ 8,25-8,40%/năm. Kịch bản 2: GRDP tăng khoảng 6,5-7,0%. Trong đó, năm 2021 tăng 3,97-4,54%, từ 2022-2025 tăng 7,0-7,77%/năm.
Theo đó, Hà Nội sẽ chủ động, linh hoạt về mọi mặt trong các giải pháp phát triển kinh – tế xã hội để thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phấn đấu tăng trưởng đạt mức cao nhất theo kịch bản số một.
Trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý quy hoạch, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất các nội dung để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch phát triển vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Quy hoạch 3 huyện lên thành phố, 4 huyện lên quận
Thành phố Hà Nội đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn thành thành phố trực thuộc Thủ đô. Hà Nội trước đó từng ban hành Đề án phát triển lên huyện Hoài Đức với mục tiêu lên quận vào năm 2020. Bốn huyện còn lại gồm Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng được đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ lên quận.
Ngày 1/12 vừa qua, tại hội nghị lần thứ 6, BCH Đảng bộ Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, căn cứ thực tiễn phát triển của các địa phương cũng như khả năng cân đối ngân sách của thành phố, Hà Nội trước mắt sẽ tập trung hỗ trợ cho Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận.
Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, UBND TP.Hà Nội đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng đầu tư các dự án cấp thành phố trên địa bàn 5 huyện nhưng đến nay, tại cả 5 huyện có 3 đến 6 tiêu chí chưa đạt. Trong đó, 2 tiêu chí quan trọng nhất là cân đối thu – chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị đều chưa đạt.
Ngoài ra, TP.Hà Nội cũng sẽ hoàn thành quy hoạch phân khu đô thị đối với sông Hồng và sông Đuống cũng như các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông.
Phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông
Phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông là mục tiêu Hà Nội tiếp tục hướng đến trong 5 năm tới. Theo đó, tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị sẽ được đầu tư, nâng lên khoảng 12-15% diện tích của đất đô thị.
Các dự án giao thông trọng điểm, thành phố dự kiến sẽ tập trung triển khai gồm: Trục Tây Thăng Long, vành đai 4, vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Giải Phóng, vành đai 2 đoạn Mai Động – Ngã Tư Vọng; các tuyến thuộc vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục…
Cũng trong giai đoạn 2021-2025, thành phố còn dự định sẽ đầu tư xây dựng vào một số cầu vượt sông Hồng như: Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu Mễ Sở.
Hà Nội sẽ cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 6, quốc lộ 21B… cũng như các đường tỉnh lộ như đường 70, đường tỉnh lộ gồm 417, 419, 424 nhằm phát triển các tuyến đường mang tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng.
Tại các khu vực huyện dự kiến nâng lên quận trong giai đoạn 2025 – 2030 cũng như những năm tiếp theo như Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh… Hà Nội cũng sẽ tập trung xây dựng các nền tảng về hạ tầng kinh tế- xã hội.
Tiến độ các dự án giao thông trên cao hay đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khác công cộng cũng sẽ được UBND TP. Hà Nội đẩy nhanh.
Theo dự kiến, Hà Nội sẽ có thêm 2 – 3 tuyến đường sắt đô thị chở khách với số lượng lớn, tốc độ cao. Ngoài ra, Hà Nội cũng dự kiến khởi công một tuyến đường sắt đô thị. Công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.2 (ga Hà Nội – Hoàng Mai), tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc), tuyến số 2.3 (Nam Thăng Long – Nội Bài) cũng sẽ được TP sớm hoàn thành.
Đến giai đoạn năm 2025, mạng lưới giao thông tĩnh sẽ được phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội. Các công trình đỗ ô tô ngầm và nổi cũng được quy hoạch và xây dựng; các bến xe, bãi đỗ xe ngầm trong vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Các tuyến xe buýt kết nối trung tâm đến các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn sẽ được tổ chức triển khai hiệu quả. Dự án đầu tư phát triển xe buýt nhanh (BRT) được rà soát, đánh giá toàn diện để tiếp tục hòan thiện phương án, có kế hoạch đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo.
Từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu tổ chức 9 làn đường ưu tiên cho xe buýt, gồm có: Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông); Nguyễn Văn Cừ – Ngô Gia Tự; Pháp Vân – Giải Phóng – Đại Cồ Việt; Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Linh Đàm; Xã Đàn; Võ Chí Công; Võ Văn Kiệt. Làn đường ưu tiên tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa vẫn được duy trì.
Thêm nhiều không gian đi bộ, trung tâm thương mại
Theo dự kiến, Hà Nội sẽ phát triển 3 – 5 khu vực không gian, tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường vành đai 3 – Bitexco thuộc quận Hoàng Mai hay xung quanh hồ Thiền Quang – công viên Thống Nhất; quanh khu Văn Miếu Quốc Tử Giám và cả xung quanh khu thành cổ Sơn Tây…
Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu hình thành khu trung tâm bán buôn, mua sắm cấp vùng; 15 trung tâm thương mại, mua sắm; 80 siêu thị; 107 chợ và 3 trung tâm logistics.
Hà Nội đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, 2 dự án nhà ở công nhân
Theo đó, số tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị sẽ được sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Hà Nội dự kiến đầu tư vào 5 khu nhà ở xã hội tập trung và 2 dự án nhà ở công nhân, phấn đấu xây dựng khoảng 25.000 căn hộ nhà ở xã hội. Hà Nội cũng đầu tư xây mới 5 dự án nhà tái định cư với khoảng 7.117 căn hộ.
Ngoài ra, thành phố còn dự kiến mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng và hoàn trả chi phí xây dựng tại một số dự án nhà ở thương mại có quỹ nhà tái định cư phải bàn giao cho thành phố giai đoạn 2021-2025.
Theo dự định, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, cố thể kể đến là khu đô thị mới Tây Mỗ – Đại Mỗ thuộc quận Nam Từ Liêm hoặc dự án Thành phố thông minh thuộc huyện Đông Anh…
Hà Nội cũng sẽ xây dựng và thực hiện thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng thành các khu đô thị văn minh, hiện đại. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến chi khoảng 500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách để tiến hành tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ.
Hà Nội dự kiến cải tạo và xây dựng lại 6 khu chung cư gồm Trung Tự, Kim Liên, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Khương Thượng, Nghĩa Tân… và 4 khu có nhà nguy hiểm ở cấp D, bao gồm Thành Công; Giảng Võ; Bộ Tư pháp, Ngọc Khánh.
Cải tạo, nâng cấp 45 công viên, xây mới 5 công viên
Trong giai đoạn này, Hà Nội tiến hành cải tạo và nâng cấp 45 công viên cũng như vườn hoa hiện có. Ngoài ra, TP còn đầu tư xây mới 5 công viên, vườn hoa. 3,5 triệu cây xanh sẽ được trồng mới, trong đó 500.000 cây xanh được trồng mới ở đô thị.
Tiến hành chỉnh trang vỉa hè, đường tại 180 tuyến phố trên địa bàn 12 quận. Hệ thống camera giám sát nhằm phục vụ quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông cũng sẽ được bổ sung, lắp đặt.
Các dự án như Trung tâm triển lãm Quốc gia; Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy thuộc huyện Đông Anh hay Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa thuộc huyện Sóc Sơn… sẽ sớm được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Tới đây, thành phố sẽ quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong khu du lịch quốc gia Ba Vì – Suối Hai cũng như các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn. Một số cụm du lịch trọng điểm sẽ được hình thành như: Hương Sơn – Quan Sơn, Đồng Mồ – Sơn Tây – Ba Vì, Vân Trì – Cổ Loa, núi Sóc – hồ Đồng Quan.
Cát Anh (T/h)