Hai dự án kết nối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu) đang được kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Thông tin về 2 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài
Ngày 23/11, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam – Dương Hồng Anh đã thông tin về 2 dự án đường sắt đang được kêu gọi đầu tư nước ngoài. Hai dự án này sẽ được kêu gọi dưới hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc là chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần…
Theo đó, điểm đầu dự án đường sắt vào cảng Lạch Huyện là ga Dụ Nghĩa, thuộc tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) – Hải Phòng và điểm cuối là ga Tiền Cảng. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 32.600 tỷ đồng. Theo dự kiến, dự án thu hồi vốn trong vòng 25 năm, hoàn trả vốn vay trong 30 năm.
Về tiến trình, tuyến đường sắt sẽ bắt đầu từ ga Dụ Nghĩa, rồi vượt qua sông Lạch Tray xuống phía nam TP.Hải Phòng, tới bán đảo Đình Vũ. Sau đó, nó chạy song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu, rẽ phải rồi chạy dọc cầu tàu và cập bến trong cảng Lạch Huyện.
Dự án thứ 2 là đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu với chiều dài 84 km, khổ 1.435mm. Tuyến này đi song song với quốc lộ 51 qua khu vực cảng Cái Mép -Thị Vải và cảng Bến Đình – Sao Mai. Được biết, dự án có vốn đầu tư khoảng 56.800 tỷ đồng và thời gian thu hồi vốn là 19 năm, hoàn trả vốn vay trong thời gian 30 năm.
Theo tìm hiểu, dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đã đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư dưới hình thức BOT.
Đối với dự án đường sắt mới đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) – ông Nguyễn Khánh Tùng nhận định, rất khó kêu gọi nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn đầu tư cả dự án khi mà thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Điều quan trọng là cần xác định rõ các hạng mục nhà nước có thể tham gia. Theo đó nhà nước có thể đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt chính, trong khi đó tư nhân đầu tư đầu máy – toa xe hoặc kho, bãi. Như vậy, dự án mới khả thi.
Ông Tùng cho rằng, pháp luật hiện đang quy định Nhà nước chỉ đầu tư đường sắt chính tuyến phía ngoài cảng, đường sắt trong cảng sẽ do doanh nghiệp đầu tư gây bất cập nếu các doanh nghiệp cảng không đầu tư hoặc có nhu cầu nhưng không xác định được cụ thể thời gian đầu tư. Đường sắt chính tuyến khi đó sẽ không phát huy được hiệu quả bởi không thể kết nối tận chân hàng.
Đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam chia sẻ, dự án đường sắt kết nối Cái Mép – Thị Vải sẽ có tính khả thi cao hơn nếu được đầu tư bằng vốn ngân sách.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng dài 102 km, chạy song song với đường bộ cao tốc, kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện vào trước năm 2030.
Phía Nam cũng sẽ có tuyến đường Biên Hòa – Vũng Tàu dài 84 km, nối từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu.
Cát Anh (T/h)