Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Bộ đang đề xuất giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 15/11 năm nay đến giữa tháng 5/2022.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định, liên quan đến việc lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% và bắt đầu áp dụng từ ngày 15/11 năm nay đến hết ngày 15/5/2022.
Tuy nhiên, nếu Chính phủ ký ban hành Nghị định sau ngày 15/11, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/12 đến hết tháng 5/2022.
Dự thảo Nghị định này sẽ được trình theo trình tự với thủ tục rút gọn, trên cơ sở kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 20/10 vừa qua. Hiện dự thảo đang ở bước Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, trước khi tham vấn các bộ, ngành liên quan và trình Chính phủ xem xét.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư.
Việc giảm phí trước bạ sẽ làm giảm số thu nhưng số lượng xe tiêu thụ dự kiến tăng, do đó tổng thu ngân sách vẫn có thể tăng lên.
Nhìn lại năm 2020, khi áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vào nửa cuối năm, số thu theo chính sách giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước lại tăng 14.110 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, khi chưa có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, trung bình là gần 17.600 xe một tháng. Nửa cuối năm sau đó, số xe đăng ký đã tăng gấp đôi.
Trong dự thảo này, Bộ Tài chính cũng nêu lên những thách thức khi áp dụng ưu đãi về phí trước bạ. Thách thức đó là Việt Nam có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, do đó có thể tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số đơn vị không có hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách này chỉ kéo dài trong 6 tháng, được coi như giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất trong nước trước tác động của Covid-19. Bên cạnh đó, theo Bộ giải thích, tại Việt Nam, các hãng sản xuất lắp ráp ô tô lớn của nhiều nước đa phần đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Một số nhà máy có công suất khá lớn như Hyundai, Mazda, Kia, Toyota. Chính vì vậy, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho cả các hãng xe lớn trên thế giới.
Hiện nay một số nước như Malaysia, Indonesia cũng đã và đang áp dụng chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính hiện chưa nêu lý do tại sao không áp dụng giảm lệ phí trước bạ với xe nhập khẩu.