Gần đây, Jeff Bezos đã trở thành tỷ phú mới nhất phát động cuộc chiến chính trị trên Twitter chỉ trích dòng tweet của Tổng thống Joe Biden về thuế doanh nghiệp là “thông tin sai lệch” và “định hướng sai”. Ông ngụ ý tăng thuế doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát là hai vấn đề quan trọng cần thảo luận, song trộn chúng lại với nhau là sai lầm.
Nhà Trắng ngay sau đó đã nhận định ông chủ Amazon phản đối một chính sách kinh tế cho tầng lớp trung lưu. Ông Bezos cũng không ngần ngại phản pháo lại rằng chính quyền ông Joe Biden đã khiến lạm phát ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt khi dự luật chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD của ông Biden hay còn biết đến như chương trình “Xây dựng trở lại tốt hơn” (Build Back Better) được thông qua.
“Họ đã thất bại nhưng nếu họ thành công, lạm phat sẽ cao hơn hiện nay và lạm phát ngày nay đang chạm mốc cao nhất trong 4 thập kỷ,” ông chủ Amazon đăng trên Twitter.
Cuộc đấu khẩu này đánh dấu cột mốc lần đầu tiên người nổi tiếng trên thương trường như Jeff Bezos – người luôn tránh xa chiến trường chính trị, tham gia cuộc chiến chính trị. Jeff Bezos là người giàu thứ 2 trên thế giới với tài sản ròng giá trị 150 triệu tỷ, đứng sau Elon Musk. Elon Musk sở hữu khối tài sản trị giá 268 tỷ USD và đang trở thành tâm điểm truyền thông do thương vụ mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter.
Trận chiến khơi mào từ dòng tweet của Tổng thống Mỹ Joe Biden về lạm phát, “Các bạn muốn giảm lạm phát? Hãy đảm bảo những doanh nghiệp giàu có nhất trả thuế công bằng”.
Dù không chỉ đích danh Amazon nhưng ông Biden đã sớm không hài lòng với Amazon. Trong năm 2017 và 2018, gã khổng lồ thương mại điện tử không nộp thuế thu nhập liên bang dù bỏ túi hàng tỉ lợi nhuận. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp này cũng chỉ phải trả một khoản thuế khiêm tốn.
“Việc tăng thuế doanh nghiệp là điều tốt để thảo luận. Kiềm chế lạm phát cũng là điều quan trọng cần thảo luận. Tuy nhiên, việc lẫn lộn chúng với nhau lại là hành động đánh lạc hướng”, tỷ phú Jeff Bezos tweet.
Về vấn đề liệu tăng thuế doanh nghiệp có giúp kiềm chế lạm phát hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden.
Larry Summers, chuyên gia kinh tế tại Harvard, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời ông Bill Clinton nhận định ông Jeff Bezos đã sai khi chỉ trích chính quyền ông Biden. Bà Summers ủng hộ tăng thuế để giảm nhu cầu nhằm kiềm chế lạm phát và phải thực hiện càng nhanh càng tốt.
Michael Strain, nhà kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, khẳng định tăng thuế doanh nghiệp sẽ giảm chi tiêu của doanh nghiệp và giảm nhu cầu chung, điều này dẫn đến giảm áp lực lên giá cả.
Tuy nhiên, Strain và nhiều nhà kinh tế khác cảnh báo quá trình tăng thuế thu nhập sẽ cần thời gian để phát huy hiệu quả, tuy nhiên, lạm phát có thể sẽ không giảm nhiều.
Alan Auerbach, một nhà kinh tế và chuyên gia thuế tại Đại học California, Berkeley, cho rằng Bezos cũng có lý khi đề cập đến tác động lâu dài khi tăng thuế doanh nghiệp. Thuế doanh nghiệp cao hơn khiến doanh nghiệp không có nhiều tiền để đầu tư tăng công suất. Lâu ngày, gánh nặng tài chính sẽ tăng chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại khoảng thời gian này một năm trước, nhiều người có thể sẽ phát hiện ra một sự thật khó hiểu cho cuộc tranh cãi hiện nay giữa Jeff Bezos và Joe Biden. Cụ thể, vào ngày 7/4/2021, ông Jeff Bezos ủng hộ việc tăng thuế suất doanh nghiệp của Mỹ như một phần của cuộc đại tu cơ sở hạ tầng.
“Chúng tôi ủng hộ sự tập trung của chính quyền Biden trong việc đầu tư táo bạo vào cơ sở hạ tầng của Mỹ”, Bezos cho biết trong một bài đăng trên blog. “Chúng tôi nhận thấy khoản đầu tư này sẽ yêu cầu sự nhượng bộ từ tất cả các bên”.
Màn đấu khẩu vị tỷ phú và Tổng thống Mỹ diễn ra khi lạm phát nước Mỹ đạt mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, ảnh hưởng đến chi phí của các mặt hàng thiết yếu như khí đốt, thực phẩm và nhà ở.