Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 1 tuần giao dịch giằng co mạnh giữa hai bên mua và bán. Sau 5 phiên, VN-Index gần như đi ngang với mức tăng 0,67 điểm lên mức 1.052,48 điểm; trong khi đó HNX-Index giảm hơn 4 điểm xuống mức 212,99 điểm. Giá trị giao dịch tuần này bình quân đạt khoảng 14.000 tỷ đồng/phiên.
Về diễn biến giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tuần qua vẫn tiếp tục giải ngân mạnh mẽ trên thị trường nhưng giảm so với các tuần trước đó, giá trị mua ròng đạt gần 1.900 tỷ đồng.
Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào, chúng tôi đã có trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới 19-23/12.
Khối ngoại sẽ mua ròng trong các tuần cuối năm và tiếp tục là động lực chính dẫn dắt thị trường
Đánh giá về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco cho rằng đà tăng của VN-Index có dấu hiệu chậm lại, một phần do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các sự kiện quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, ông Khoa kỳ vọng thị trường sẽ sớm quay trở lại đà tăng trong các tuần tới, khi chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là kết thúc năm 2022 và đây cũng là thời điểm các quỹ đầu tư tiến hành chốt NAV cuối năm. Với việc dòng vốn khối ngoại đang có mức độ ảnh hưởng lớn và tích cực tới thị trường trong thời gian này, ông Khoa kỳ vọng VN-Index sẽ sớm lấy lại xu hướng tăng giá trong tuần này để đón sóng chốt NAV cuối năm, hướng tới kiểm định vùng 1.100 điểm. Trong trường hợp khả quan (vượt hẳn mốc 1.100 điểm), nhà đầu tư có thể lưu ý tới ngưỡng kháng cự tiếp theo của chỉ số quanh vùng 1.130-1.150 điểm.
Về yếu tố quốc tế, mặc dù FED đã thực hiện mức điều chỉnh tương đồng với dự báo của giới đầu tư, tuy nhiên điểm đáng lưu ý hơn là động thái nối dài đà tăng lãi suất điều hành của FED, dự kiến có thể đạt đỉnh ở mức 5,1% vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, FED cũng “diều hâu” hơn khi đưa ra dự báo về tăng trưởng GDP thấp hơn trong năm 2023 trong khi các chỉ tiêu về lạm phát và thất nghiệp cao hơn, cho thấy rủi ro thị trường suy thoái trong tương lai có thể tăng lên. Vì vậy, ông Khoa cho rằng nhà đầu tư nên chú ý tới diễn biến mua/bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn sắp tới. Trong trường hợp xuất hiện một cuộc suy thoái kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng rút vốn khỏi thị trường mới nổi và cận biên và tăng chuyển dịch qua các kênh dẫn vốn an toàn hơn. Mặc dù tính ảnh hưởng thực tế từ chính sách có thể có độ trễ, tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn có khả năng phản ánh trước các thông tin này.
Trong nước, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 được cho sẽ tác động tích cực tới thị trường, khi các doanh nghiệp có thêm thời gian để làm quen và điều chỉnh dần để phù hợp với các quy định mới. Cụ thể, một số quy định về thay đổi kỳ hạn hay chuyển đổi gốc, lãi trái phiếu sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm phương thức thanh toán và giảm thiểu rủi ro vỡ nợ. Trong khi các quy định về xếp hạng tín nhiệm, xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và thời gian phân phối sẽ được lùi thời hạn áp dụng sang năm 2024 sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi với các yêu cầu mới. Do đó, các doanh nghiệp sẽ có thời gian để điều chỉnh nguồn vốn và linh hoạt hơn trong công tác trả nợ thông qua việc chuyển đổi các khoản gốc lãi thành các tài sản khác.
Xét với thị trường chứng khoán, trong bối cảnh thị trường đi ngang, ông Khoa nhận thấy dòng tiền có sự phân hóa và chuyển hướng từ nhóm vốn hóa lớn sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Dự báo xu hướng này có thể tiếp diễn trong tuần tới. Giai đoạn này nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng với các nhóm ngành đang thu hút tốt dòng tiền nhờ có câu chuyện hỗ trợ trong ngắn hạn như nhóm cổ phiếu liên quan chủ đề Đầu tư công như xây dựng, vật liệu xây dựng; nhóm bất động sản khu công nghiệp do lợi nhuận của nhóm này được kỳ vọng vẫn đạt mức tăng trưởng cao và dòng vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng trưởng.
Về động thái giảm mua ròng của khối ngoại, ông Khoa đánh giá điều này chủ yếu tới từ tâm lý thận trọng chung trước các sự kiện quan trọng có thể tạo ra biến động mạnh tới thị trường. Tuy nhiên, thực tế tuần vừa qua thị trường chỉ biến động giằng co trong biên độ hẹp chứ chưa xuất hiện nhịp điều chỉnh lớn, do đó thị trường vẫn đang trong xu hướng hồi phục. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý tới câu chuyện chốt danh mục đầu tư của khối ngoại trong giai đoạn cuối năm, khi trong 5 năm gần nhất, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 3/5 lần trong 10 phiên cuối năm với tổng giá trị trên 3.100 tỷ đồng. Thị trường trong cùng giai đoạn cũng ghi nhận mức tăng tại 4/5 lần (ngoại trừ năm 2018). Do đó, không ngoại trừ khả năng khối ngoại có thể tiếp tục trạng thái mua ròng trong các tuần cuối năm và tiếp tục là động lực chính dẫn dắt thị trường trong giai đoạn này. Từ đây, nhóm cổ phiếu thu hút dòng vốn khối ngoại như nhóm VN30, nhóm VNDiamond khi đây là nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài và hạn chót chốt danh mục đầu tư cuối năm đang tới gần.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng, có thể tiếp tục thực hiện việc mua gom các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt
Theo đánh giá của ông Thái Hữu Công, Chuyên viên phân tích Chứng khoán KBSV, trong vòng 1 tháng vừa qua, VN-Index đã có một nhịp hồi phục rất tích cực đến hơn 20% tính từ vùng đáy thiết lập hồi giữa tháng 11 với nhiều mã cổ phiếu có mức tăng lên đến 60-80%, thậm chí có những mã cổ phiếu với tính đầu cơ cao tăng từ 2 đến 3 lần. Do đó, việc xuất hiện những nhịp điều chỉnh để tích luỹ lại là hết sức cần thiết và xu hướng hồi phục trong trung hạn của chỉ số vẫn được bảo lưu trong trường hợp vùng hỗ trợ sâu quanh 960-980 điểm vẫn được giữ vững. Trong tuần tới, ông Công nghiêng về kịch bản thận trọng là VN-Index sẽ xuất hiện một nhịp chỉnh nhẹ với ngưỡng hỗ trợ cứng quanh vùng 1.010 điểm (+-10) trước khi hồi phục trở lại.
Về thanh khoản, ông Công cho rằng có ba lý do khiến cho nhà đầu tư vẫn đang duy trì tâm lý thận trọng trong tuần vừa qua. Thứ nhất là do nhiều cổ phiếu đã tăng khá mạnh và liên tục trong một thời gian ngắn khiến cho việc tìm kiếm một điểm giải ngân phù hợp là tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường trong hai phiên cuối tuần được dự báo có rất nhiều biến động khó lường với ngày đáo hạn phái sinh diễn ra vào ngày 15/12 và các quỹ cơ cấu lại danh mục của mình vào ngày tiếp theo. Lý do thứ ba xuất phát từ các yếu tố ngoại biên với việc công bố số liệu lạm phát cũng như quyết định về việc nâng lãi suất của các NHTW tại Mỹ và Châu Âu. Vị chuyên gia đến từ KBSV kỳ vọng rằng khi những sự kiện này qua đi, thị trường sẽ xuất hiện một xu hướng rõ ràng hơn cùng với thanh khoản cải thiện.
Về nhịp mua ròng của khối ngoại trong tuần qua, ông Công chỉ ra rằng các nhà đầu tư khối ngoại thường là các tổ chức với nguồn vốn dồi dào và tầm nhìn đầu tư dài hạn. Việc họ đẩy mạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua là do định giá thị trường đã về mức hợp lý với chiến lược đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Hiện tại, dòng vốn ngoại hạ nhiệt chảy vào thị trường sẽ không có nhiều tác động tiêu cực lên thị trường mà xu hướng sau đó sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu các nền kinh tế lớn trên thế giới có rơi vào suy thoái hay không, sức chống chịu của Việt Nam trước tác động tiêu cực các yếu tố vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tỷ giá,…) như thế nào và tình hình tài chính cũng như triển vọng kinh doanh riêng của từng doanh nghiệp.
Về chiến lược đầu tư cho thời điểm cuối năm 2022 và hướng tới năm mới 2023, xét theo yếu tố kỹ thuật, ông Thái Hữu Công cho rằng xu hướng giảm hiện vẫn đang đóng vai trò chủ đạo đối với TTCK trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2023 được đánh giá vẫn là một năm có nhiều biến động khi mà xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn chưa có hồi kết, lạm phát tại các nước phát triển vẫn cao hơn từ 3-4 lần so với mức mục tiêu, các NHTW trên thế giới vẫn đang trong cuộc chạy đua tăng lãi suất và rủi ro suy thoái ngày một gia tăng. Do đó, các nhà đầu tư cần tiếp tục duy trì tâm thế cẩn trọng, có thể tiếp tục thực hiện việc mua gom các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần khống chế tỷ trọng danh mục bằng cách bán hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận các vùng cản. Việc thực hiện chốt lời và duy trì một lượng tiền mặt nhất định là hết sức quan trọng trong giai đoạn này để có thể bảo toàn thành quả đã đạt được trong các nhịp hồi phục và có sức mua khi xuất hiện các cơ hội đầu tư tốt.
VN-Index có thể lên ngưỡng 1.100 điểm
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT thì đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua tiếp tục chứng kiến sự giằng co giữa bên mua và bên bán với phiên giảm mạnh đầu tuần, sau đấy hồi phục và tích lũy trong vùng cân bằng quanh mốc 1.050 điểm trong 3 phiên cuối cùng của tuần.
Diễn biến thị trường chứng khoán đang khá sát với kỳ vọng là tích lũy trong vùng 1.030-1.070 điểm. Bước sang tuần giao dịch tới, ông Hinh kỳ vọng diễn biến thị trường có thể cải thiện tích cực hơn khi những thông tin vĩ mô hỗ trợ đã được hé lộ như NHNN nới room tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua thị trường mở (OMO) và động thái niêm yết giá mua vào USD, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về TPDN theo hướng hỗ trợ thị trường hơn cộng thêm tâm lý thận trọng được dỡ bỏ sau thông tin lạm phát của Mỹ và quyết định nâng 50 điểm lãi suất điều hành của FED.
Chuyên gia đến từ VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể hướng tới vùng kháng cự quanh 1.070 điểm trong tuần tới. Nếu vượt qua vùng này, chỉ số chính của TTCK Việt Nam sẽ hướng tới kháng cự tiếp theo là quanh mức 1.100 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tuần tới, ưu tiên các nhóm ngành có có câu chuyện tăng trưởng tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như vật liệu xây dựng và hạ tầng giao thông (tăng tốc giải ngân đầu tư công), ngân hàng (nới room tín dụng, NHNN có động thái hỗ trợ thanh khoản), chứng khoán (điểm số và thanh khoản TTCK phục hồi), bảo hiểm (hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng, điện (dòng tiền và cổ tức ổn định).