Vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh sẽ được thí điểm hoạt động lại từ ngày 13/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021.
Bộ GTVT vừa ban hành Quy định tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh, áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ trên phạm vi toàn quốc. Bộ GTVT sẽ đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo sau khoảng thời gian thí điểm.
Khai thác không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày
Theo đó, doanh nghiệp vận tải thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện. Không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm.
Trong thời gian thí điểm, các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì hoạt động vận tải diễn ra bình thường.
Theo đề nghị của Bộ GTVT, các địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế và quy định cụ thể của từng địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế), tiến hành tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú. Nếu phát hiện hành khách có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở… hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính thì triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR và bố trí vị trí để lực lượng chức năng tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 kháng nguyên nhanh; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng. Có khu vực bán vé, phòng chờ (đối với bến xe), nơi hành khách lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải hành khách bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải và quy định về phòng, chống dịch COVID-19; công bố công khai các yêu cầu vận chuyển đối với hành khách.
Các loại hình vận tải khách đường bộ khác, Bộ GTVT giao sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên theo hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1740 ngày 30/9/2021 của Bộ GTVT.
Lái xe, nhân viên phục vụ xe phải có thẻ xanh
Bộ GTVT yêu cầu, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/ giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).
Ngoài ra, những người này phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô.
Hành khách khi đi từ địa phương/khu vực có “nguy cơ rất cao”, “nguy cơ cao” đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).
Đồng thời, hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô.
Hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng”.
Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe cũng phải đáp ứng các quy định nêu trên.
Trường hợp hành khách đi từ địa phương/ khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/ khu vực có nguy cơ cao hơn sẽ phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô. Hành khách cần thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.
Sau khi kết thúc chuyến đi, hành khách phải tự theo dõi sức khỏe. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định
27 chuyến bay phải hủy trong ngày đầu mở cửa hàng không
Sau nhiều nỗ lực, ngày 10/10 là ngày đầu tiên khôi phục lại các đường bay. Theo thống kê, các hãng hàng không đã phải hủy 27 chuyến bay.
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thông tin, trong ngày 10/10, các hãng hàng không đang triển khai 11 chuyến bay (giãn cách ghế), gồm, TP.HCM- Đà Nẵng 75 khách, Đà Nẵng – TP.HCM 14 khách; từ TP.HCM – Phú Quốc chỉ có 30 khách, Phú Quốc- TP.HCM 37 khách; từ TP.HCM đi Chu Lai tổng 33 khách, chiều Chu Lai-TP.HCM 5 khách; TP.HCM – Quy Nhơn 55 khách, Quy Nhơn – TP.HCM 20 khách; TP.HCM- Nha Trang 27 khách, Nha Trang – TP.HCM 20 khách.
Trong số đố, riêng chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM có tới 160 khách khởi hành 14h chiều 10/10 do Vietnam Airlines thực hiện. Chuyến chiều ra được tổ chức là chuyến bay công vụ, không có khách thương mại.
Tuy nhiên, các chuyến bay của Vietnam Airlines chặng TP.HCM – Hà Nội, của Vietjet chặng Đà Nẵng – Hà Nội đều không thực hiện được.
Theo đại diện Vietnam Airlines, mặc dù đã được chấp thuận khai thác một chuyến bay khứ hồi chở khách từ TP.HCM đi Hà Nội nhưng chuyến bay đã không thể thực hiện được vì Hà Nội chưa thống nhất về việc cách ly tập trung.
Hãng đã bán hết vé và khách cũng sẵn sàng lên đường, chuyến bay từ TP. HCM dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 12h trưa 10/10. Tuy nhiên, vào phút chót, Vietnam Airlines nhận được thông báo của TP.Hà Nội về việc chưa bố trí được nơi cách ly nên buộc phải hủy bỏ chuyến bay. Vietnam Airlines đã hoàn trả tiền vé cho khách và xin lỗi về sự cố này.
Cùng hoàn cảnh, chuyến bay VJ632 của Vietjet Air bay từ TP.HCM đi Đà Nẵng chở theo 75 hành khách đều đã tiêm vaccine, có giấy xét nghiệm âm tính đã phải tạm dừng 40 phút vì nhận được thông tin địa phương “chỉ tiếp nhận hành khách đến, từ các khu vực không có ca mắc trong cộng đồng trong vòng 14 ngày”.
Tới 15h35, chuyến bay mới được cất cánh, hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng lúc 16h35. Theo đại diện Vietjet thông tin, rất may hành khách hiểu về tình hình và thông cảm với hãng.
Ngoài ra, các chặng bay đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng không thực hiện được vì lý do thời tiết mưa bão.
Bộ GTVT cho hay, ngành giao thông đã lựa chọn đối tượng hành khách cho giai đoạn thử nghiệm là hành khách “xanh” kèm theo điều kiện phải xét nghiệm.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản 8318/BYT-DP ngày 3/10, đây là các đối tượng không phải cách ly tập trung. Tuy nhiên, việc các địa phương vẫn cẩn trọng và yêu cầu phải cách ly tập trung và trả phí, khiến nhiều người dân không dám lựa chọn đi lại bằng đường hàng không.
Vừa được “phá băng” khôi phục bay lại sau nhiều tháng song các chuyến bay cho thấy không hiệu quả bởi lượng hành khách quá ít, những chặng đông khách thì đang vướng các quy định cách ly.
Câu hỏi được đặt ra, là liệu rằng việc vận tải hành khách liên tỉnh có gặp khó như các hãng Hàng không?
Cát Anh