Thị trường chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch 4-6/5 không mấy khả quan. Chỉ số VN-Index một lần nữa đánh mất thêm ngưỡng hỗ trợ 1.330 điểm khi giảm mạnh trong phiên thứ Tư và cuối tuần. Áp lực điều chỉnh khá lớn được cho có một phần nguyên nhân từ thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực, đặc biệt là TTCK Mỹ, từ đó tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Xét theo mức độ đóng góp, hai mã ngân hàng là VPB và TCB trở thành những “tội đồ” lớn nhất khiến VN-Index giảm mạnh. cùng với VNM và GVR đã lấy đi gần chục điểm của chỉ số chính TTCK Việt Nam. Ngược lại, cổ phiếu nhà Vin là VHM đã trở thành lực đỡ quan trọng khi góp 4 điểm tăng cho VN-Index, GAS, SAB cũng diến biến khởi sắc.
Đóng cửa tuần, VN-Index giảm 37,54 điểm (2,75%) về mức 1.329,26, còn HNX-Index giảm 6,11% về mức 343,46; UPCoM-Index giảm 2,3% xuống mức 101,88 điểm. Thanh khoản thị trường trong tuần vẫn ở mức khá thấp bất chấp thị trường chỉnh sâu, giá trị giao dịch trên toàn thị trường bình quân đạt 18.000 tỷ đồng/phiên.
Với ba phiên giao dịch, diễn biến giao dịch khối ngoại tuần qua ghi nhận giao dịch khá cân bằng, khi họ tổng cộng bán ròng chỉ 36 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh thì nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục mua ròng 86 tỷ đồng. Tuy nhiên, họ đẩy mạnh bán ròng 121 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận qua đó ghi nhận giá trị là bán ròng chung.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, tâm điểm bán ròng của dòng tiền ngoại trong tuần ghi nhận tại cổ phiếu ngân hàng VCB, ngoài ra một số bluechips khác như VNM, NVL, DGW, KDH,… cũng bị bán ròng mạnh. Các mã như E1VFVN30, BVH, VIC cũng đứng vị trí cao trong danh sách bán ròng của khối ngoại trong tuần.
Trong khi đó, lực mua của khối ngoại dẫn đầu tại cổ phiếu NLV với giá trị trên 300 tỷ đồng. Họ cũng mua ròng VHM, TPB, CTG và MSN với giá trị đều vượt trên 60 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn chảy vào các cổ phiếu như VRE, DPM, STB, PVS…
Trên sàn HoSE, khối ngoại duy nhất ghi nhận mua ròng trong phiên thứ 5 (5/5), còn lại hai phiên đều bán ròng, tổng giá trị bán ròng cả tuần đạt 68 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại mua ròng 52 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, tuy nhiên lại bán ròng 119 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận.
Giá trị bán ròng thoả thuận trong tuần qua chủ yếu tại VCB, KDH và BCM, lần lượt là 38 tỷ, 51 tỷ và 43 tỷ đồng. Đây cũng là ba trong số những cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất HoSE tuần qua. VCB dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị bán ròng tổng cộng cả tuần gần 80 tỷ đồng. Bluechips VNM và NVL cũng bị bán ròng 69 tỷ và 61 tỷ đồng. Các mã tại sàn HoSE bị bán ròng mạnh trong tuần qua còn có thể kể đến là DGW (59 tỷ đồng), KDH (58 tỷ đồng ), KBC (57 tỷ đồng),…
Tại chiều mua, tâm điểm dòng vốn ngoại trong tuần tìm đến là các cổ phiếu NLG và VHM với giá trị mua ròng lần lượt đạt 330 tỷ đồng và 90 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng các cổ phiếu là TPB, CTG với giá trị tại mỗi mã khoảng hơn 60 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại ghi nhận mua ròng với giá trị đạt 21 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 22 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và bán ròng nhẹ 1 tỷ đồng qua thỏa thuận.
Khối ngoại tuần qua mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại cổ phiếu PVS với 26 tỷ đồng; ngoài ra, mã SHS cũng được khối ngoại mua ròng 5 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có TA9, PSW, DNM, CEO, BCC…
Ngược lại, giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu VCS và BVS bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 6tỷ đồng và 4 tỷ đồng. Theo sau là PVI và PLX với giá trị bán ròng mỗi cổ phiếu khoảng 1-2 tỷ đồng, TVD, CLH, OCH, DDG… cũng bị bán ròng trong tuần qua.
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 11 tỷ đồng, toàn bộ tại kênh khớp lệnh khi họ mua vào 37 tỷ và bán ra 26 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tuần này được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với khoảng 7 tỷ đồng, toàn bộ đều qua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến QNS và ACV với giá trị mua ròng ghi nhận lần lượt là 5 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.
Tại phía bán ra, cổ phiếu QTP tuần này dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng 5 tỷ đồng, đều trên khớp lệnh. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có BDG, TCW, GHC, MPC…