Khung giá bán lẻ điện đã được thay đổi, tăng lên mức 1.826-2.444 đồng/kWh theo quyết định mới.
Điều chỉnh khung giá bán lẻ điện
Quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân vừa được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký.
Theo đó, khung giá bán lẻ điện bình quân khi chưa gồm thuế giá trị gia tăng tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Có thể thấy, so với mức khung cũ quy định tại Quyết định 34/2017, mức giá tối thiểu tăng 220 đồng/kWh và mức giá tối đa tăng 538 đồng/kWh.
Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong trường hợp có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.
Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Hiện nay, Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân cũng như quy định cơ chế điều chỉnh giá. Theo đó, đơn vị điện lực sẽ quyết định giá bán lẻ điện dựa trên cơ sở khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân được Nhà nước đã quy định.
Yêu cầu của Bộ Công thương đối với EVN
Bộ Công Thương mới đây có văn bản yêu cầu EVN sớm quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, đồng thời làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán. Để từ đó, Bộ Công Thương sẽ công bố kết quả kiểm tra chi phí cũng như tính toán phương án giá điện năm 2023.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra đề xuất về việc tăng giá điện khi mà doanh nghiệp này ước tính năm 2022 lỗ hơn 30.000 tỷ đồng do giá nhiên liệu tăng cao. 4 năm qua, giá điện chưa được điều chỉnh mà duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh.