Nga trở thành “kẻ đối mặt” với Mỹ và EU bởi chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine, điểm mấu chốt là sự trừng phạt kinh tế ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung năng lương toàn cầu.
Nga đối mặt với thảm họa khủng hoảng kinh tế?
Xứ sở Bạch Dương đang phải đối mặt với việc thiệt hại kinh tế lớn nhất từ trước đến nay – điều mà EU và đồng minh phương Tây mong muốn sau các lệnh “đóng băng”.
7 ngân hàng chủ chốt của Nga bị cắt khỏi SWIFT (Tổ chức Viễn thông tài chính liên ngân hàng Thế giới), mọi giao dịch xuyên quốc gia đối với tài sản và quỹ tín dụng bị cấm vận.
Giá đồng USD tại Nga tăng vọt hơn 40%. Đồng ruble Nga mất hơn 40% giá trị so với đồng USD (tỷ giá 110 ruble/USD), các ngân hàng lớn nhất ở quốc gia này bị thổi bay hơn 80% vốn hóa.
Tình trạng báo động, người dân Nga đổ xô đi rút tiền, tích trữ vàng thay vì giữ tiền mặt.
Ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất cơ bản gấp đôi từ 9 lên gần 20% để tránh tình trạng lạm phát tiền tệ, đảm bảo giá trị tiền gửi cho người dân. Các hoạt động thương mại trong nước thực hiện chính sách sử dụng 80% đồng ruble. Các hệ thống siêu thị lớn hạn chế khối lượng hàng hóa bán ra.
Các hãng tàu biển lớn trên thế giới có thể kể tới Maersk Line, Hapag Lloyd, MSC, Ocean Network Express,… thông báo ngừng khai thác với Nga. Điều này sẽ khiến Nga đối mặt với việc giảm tăng trưởng kinh tế do hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ.
Nga đang phải hứng chịu liên tiếp các cú đánh trực diện vào nền kinh tế từ tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, năng lượng, viễn thông, hàng không,….buộc Nga phải thay đổi chiến lược của mình.
Chính phủ Nga khuyến khích người dân tích trữ vàng, ngân hàng trung ương cũng tiến hành thu mua vàng. Hiện tại, Nga là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về trữ lượng vàng, sẵn sàng cho kịch bản phi USD hóa nền kinh tế của mình.
Nga và phương Tây “ngã đau” trước đòn trừng phạt năng lượng
Mỹ tuyên bố chính thức thực hiện lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga bất chấp việc phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng.
Đáp trả đòn giáng từ phía chính quyền Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Nga Putin cũng ký sắc lệnh hạn chế và công bố danh sách các mặt hàng xuất nhập khẩu, nguyên liệu thô được chính phủ quy định kéo dài đến hết ngày 31/12.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho các thị trường thế giới mặc dù đang đối mặt với sự cấm vận kinh tế mạnh nhất từ trước đến nay.
Đại sứ quán Nga tại Washington ra tuyên bố: “Nga có nơi để chuyển hướng các sản phẩm nhiên liệu chất lượng và sức cạnh tranh cao. Đã đến lúc Mỹ phải nhận ra rằng việc áp đặt cùng với lệnh trừng phạt của họ với mục đích buộc Nga phải bỏ lợi ích quốc gia là một nỗ lực viển vông”.
Đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng, Nga sản xuất 10 triệu thùng/ngày, chiếm 10% thế giới, 40% nhu cầu khí đốt tại châu Âu.
Đối với châu Âu, đây quả thực là bài toán khó bởi nhiều thập kỷ qua, châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga và không có nhiều kịch bản khi đối diện với việc Nga cắt nguồn cung năng lượng.
Ngày 8/3, EU họp bàn và đồng ý đưa ra các kế hoạch hạn chế sự phụ thuộc dầu khí, khí đốt của Nga. Cụ thể, mục tiêu trong năm 2022 là EU sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, hướng đến mục tiêu “độc lập năng lượng” vào năm 2030.
Nếu phương Tây ngừng nhập năng lượng từ Nga, Nga bị “tẩy chay”, giá xăng dầu khí đốt sẽ leo thang làm chậm tăng trưởng kinh tế thế giới. Đối với Nga, việc không xuất khẩu được dầu sẽ khiến nhiều nhà máy rơi vào tình trạng thừa nguồn cung, các nhà máy hóa dầu có thể phải đóng cửa, kéo theo đó là hàng nghìn lao động rơi vào thảm cảnh thất nghiệp.
Xung đột giữa Nga – Ukraine và cuộc chiến tranh tài chính với các nước phương Tây nổ ra khi nền kinh tế thế giới đang cố gắng phục hồi sau thảm dịch Covid-19. Sẽ không có ai mong muốn phải nghe và chứng kiến những thông tin tiêu cực của thị trường, nhất là về giá cả hàng hóa, năng lượng tăng phi mã theo từng ngày.
Zoe (Tổng hợp)