Giá xăng dầu ngày mai (1/3) được dự đoán là tiếp tục tăng theo xu hướng giá của thế giới.
Giá xăng dầu ngày mai có thể tiếp tục tăng
Ngày mai (1/3) sẽ là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo của Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo chu kỳ.
Theo dữ liệu được Bộ Công Thương cập nhật gần nhất, tại thị trường Singapore, giá xăng dầu thành phẩm tính bình quân so với kỳ trước tiếp tục tăng cao hơn. Cụ thể, giá xăng RON 92 để pha chế xăng E5 RON 92 bình quân tăng lên 111,7 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 114.7 USD/thùng. Ngoài ra, các loại dầu giá cũng tăng cao.
Trong phiên giao dịch chiều 25/2, giá dầu châu Á đã tăng gần 3% trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung toàn cầu bởi ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt thương mại với Nga.
Trong kỳ điều hành lần này, nhiều dự báo nói rằng giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng theo giá của thế giới. Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu chia sẻ trên Dân Trí rằng giá bán lẻ xăng dầu có thể tăng khoảng 300 – 400 đồng/lít, tùy từng loại.
Nếu giá xăng dầu ngày mai tiếp tục tăng, thì thị trường xăng dầu trong nước đã có lần tăng thứ 6 liên tiếp. Đồng nghĩa với việc, người dân tiếp tục bị ảnh hưởng, khó khăn hơn; doanh nghiệp xăng dầu gặp khó và sự phục hồi kinh tế cũng chịu tác động.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trước đó vào hôm 21/2, xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 960 đồng/lít. Dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít, dầu mazut tăng 280 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 là 25.530 đồng/lít; giá xăng RON 95 là 26.280 đồng/lít; giá dầu diesel là 20.800 đồng/lít, giá dầu hỏa là 19.500 đồng/lít; giá dầu mazut 17.930 đồng/kg.
Theo số liệu của Bộ Tài chính vừa công bố mới đây, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đến hết Quý IV năm 2021, tính hết ngày 31/12/2021 là 898,582 tỷ đồng; tổng số trích Quỹ BOG trong Quý IV năm 2021, từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 739,685 tỷ đồng.
Giá dầu thế giới có khả năng tiếp tục leo thang
Theo nhận định của các chuyên gia, căng thẳng Nga – Ukraine sẽ tiếp tục khiến giá dầu tăng và khả năng gây gián đoạn nguồn cung.
Nga là một trong những quốc gia có trữ lượng sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới và hiện đang cung cấp dầu cho toàn châu Âu. Bởi thế, động thái mới đây của một số nước châu Âu về việc loại Nga ra khỏi SWIFT có thể khiến giá dầu đạt mức trên 100 USD.
Theo các nhà hoạch định tài chính, lệnh cấm vận của phương Tây dành cho Nga sau khi nước này tuyên bố tấn công Ukraina có thể gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung trong các hoạt động xuất khẩu của Nga liên quan đến dầu mỏ, kim loại nặng, thực phẩm.
Nhận định của chuyên gia Amrita Sen thuộc Energy Aspects, giá dầu thô Brent chắc chắn giữ ở mức hơn 100 USD/thùng. Thậm chí, nó có khả năng tăng cao hơn nữa.
Trong nước, mới đây Bộ Công Thương đã giao 10 công ty đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại trong quý II để nhằm đảm bảo nhu cầu xăng dầu trong nước.
Cát Anh (T/h)