Giá năng lượng trên toàn cầu tăng phi mã kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine. Các chuyên gia nhận định nếu giá dầu vượt ngưỡng 160 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số quốc gia có thể rơi vào một cuộc suy thoái.
Giá dầu tăng phi mã
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Saudi Arabia, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nga cũng sản xuất và xuất khẩu khí tự nhiên. Phần lớn sản lượng dầu nước này được xuất khẩu sang châu Âu và châu Á. Cuộc xung đột Nga – Ukraine và những lệnh trừng phạt của phương Tây giáng vào kinh tế Nga đã đẩy giá dầu thế giới lên mức cao kỷ lục.
Dữ liệu từ Trading Economics chỉ ra giá dầu thô West Texas Intermediate hiện ở mức 116 USD/thùng, tăng 32% so với một tháng trước đó và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 81,42%. Trong khi đó, dầu Brent được giao dịch với mức giá 120 USD/thùng, tăng lần lượt 31,68% và 77,28% so với một tháng và một năm trước đó.
Bước nhảy về lạm phát
Xung đột Nga – Ukraine cũng thúc đẩy giá của các mặt hàng khác leo thang, tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang lao đao, khiến nhiều công ty xuất khẩu hứng chịu chi phí tăng cao.
Cuộc chiến ở Ukraine còn gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận tải biển ở Biển Đen, từ đó giáng đòn lên hệ thống vận tải quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàng chục con tàu chở hàng đang mắc kẹt ở cảng Mykolaiv của Ukraine. Theo công ty theo dõi hàng hải có trụ sở tại london, Windward Ltd, ước tính có khoảng 3.500 thủy thủ bị chôn chân trên khoảng 200 tàu tại các cảng của Ukraine.
Giá cước vận chuyển toàn cầu đối với tàu chở dầu đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Phí bảo hiểm ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh cũng tăng vọt tới 5%.
Theo dữ liệu của Windward, điều đó đồng nghĩa với việc chi phí của mỗi chuyến tàu tăng lên hàng trăm nghìn USD. Tất cả khiến chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm căng thẳng. Trong vòng 2 năm qua, đại dịch đã khiến hệ thống vận tải toàn cầu chao đảo, nguồn cung bị thiếu hụt.
Thêm vào đó, Ukraine chiếm 16% lượng ngô xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cùng cung cấp khoảng 30% lúa mì xuất khẩu trên thế giới. Giá lúa mì toàn cầu đã tăng hơn 55% kể từ khi bắt đầu xung đột.
Bất ổn cũng ảnh hưởng tới chi tiêu của hộ gia đình bởi triển vọng tăng trưởng ảm đạm và giá cả leo thang. Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn như Ai Cập đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Nguyên nhân là giá tăng cao, nguồn cung dầu hướng dương và lúa mì từ Nga bị hạn chế.
Viễn cảnh tồi tệ
Đáng nói, giới quan sát cho rằng đà tăng của giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Giới quan sát cảnh báo rằng lệnh cấm dầu khí và khí đốt của Nga là đòn giáng mạnh lên thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới.
Trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đã đe dọa đóng đường ống dẫn khí sang Đức và cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng Nga. “Việc từ chối dầu Nga sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu”, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh và ông cảnh báo “Đà tăng của giá có thể nằm ngoài dự đoán. Giá có khả năng lên tới 300 USD/thùng, thậm chí hơn”.
“Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung xuất khẩu năng lượng, kim loại và nông sản từ cả hai quốc gia, thúc đẩy giá cả tăng mạnh. Điều này sẽ tạo ra một bước nhảy vọt về lạm phát trên toàn cầu”, chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở ở Singapore) bình luận. Theo ông, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng giảm mạnh bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột.
“Nếu giá dầu tăng lên mức 160-200 USD/thùng, nền kinh tế thế giới sẽ giảm tốc tăng trưởng mạnh, thậm chí, một số nền kinh tế có thể đối mặt với suy thoái”, chuyên gia tài chính Jeffrey Halley nói với Zing.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ đình lạm, tức tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại khi lạm phát tăng cao do xung đột Nga – Ukraine. Điều này sẽ đẩy các ngân hàng trung ương lớn vào thế khó khi vừa muốn kiểm soát giá cả leo thang, vừa đối phó với những rủi ro kinh tế mới.
“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào tuần tới. Cơ quan này vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch này, trừ khi nền kinh tế Mỹ lao dốc”, ông Halley nhận định. Tuy nhiên, theo ông, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể trì hoãn việc thắt chặt định lượng, thậm chí không nâng lãi suất vào cuối năm nay.
“Có vị trí địa lý gần Nga và phụ thuộc nhiều vào quốc gia này, nền kinh tế châu Âu dễ bị tổn thương hơn nhiều bởi những bất ổn xoay quanh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine”, vị chuyên gia giải thích.
Nguồn: Zing.vn