Chỉ trong vòng hơn 1 tuần kể từ khi Nga mở cuộc tấn công quân sự Ukraine, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây cấp tập nhắm Moscow đã không chỉ khiến nền kinh tế Nga chao đảo mà kinh tế thế giới cũng “vạ lây”…
Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emanuel Macron, và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp ở Paris, Pháp, vào tháng 9/2019 – Ảnh: Reuters.
Áp lực lạm phát toàn cầu đang gia tăng cùng với đà leo thang của giá hàng hoá cơ bản, nhất là là dầu thô, đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó giữa lúc đà phục hồi kinh tế có chiều hướng chững lại.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới với quy mô 1.500 tỷ USD. Trước khi xung đột vũ trang Nga Ukraine bùng nổ, mỗi ngày Nga xuất khẩu hàng triệu thùng dầu thô, thị trường Nga được xem là “mỏ vàng” với các công ty và các nhà đầu tư.
Chỉ trong vòng một tuần ngắn ngủi, mọi thứ đã thay đổi. Hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp lên Nga đang làm gián đoạn dòng chảy dầu thô từ nước này ra thị trường toàn cầu; các công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Nga; thị trường chứng khoán Nga đóng cửa sau những phiên “lao dốc không phanh”; trái phiếu Nga bị đánh tụt điểm tín nhiệm xuống ngưỡng “trái phiếu rác” (junk bond – trái phiếu không được khuyến nghị đầu tư); đồng rúp Nga rớt giá xuống mức thấp kỷ lục; cổ phiếu Nga bị loại khỏi các chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI và FTSE; các hãng vận tải biển lớn tuyên bố tạm dừng chở các chuyến hàng không thiết yếu ra, vào Nga…
Đọc thêm: Nga hiện đang đối mặt với thách thức gì?
Năng lượng – Kênh chịu tác động mạnh nhất
Phương Tây đã áp lên Nga những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với một nền kinh tế lớn. Thụy Sỹ – một quốc gia nổi tiếng trung lập và bí mật trong hệ thống ngân hàng cũng tham gia vào việc trừng phạt. Các biện pháp chính đã công bố tới thời điểm này bao gồm cấm hai ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank và VTB giao dịch bằng đồng USD; 7 ngân hàng lớn của Nga, trong đó có VTB, bị loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT; đóng cửa không phận đối với máy bay Nga; đóng băng phần lớn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR); đóng băng tài sản của nhiều tỷ phú Nga…
Theo số liệu của Chính phủ Pháp, với việc áp đặt lệnh trừng phạt, Phương Tây đang đóng băng 1 nghìn tỷ USD của Nga.
“Phương Tây đã khiến nhiều người sửng sốt khi thực thi chiến lược gia tăng sức ép kinh tế tối đa lên Nga bằng cách cắt đứt các mối liên kết giữa Nga với thị trường tài chính toàn cầu”, chuyên gia kinh tế trưởng Oliver Allen của Capital Economics nhận định.
Ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase ngày 3/3 dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 35% trong quý 2 và 7% trong năm 2022 trong bối cảnh phải chịu cú sốc tương đương với khủng hoảng kinh tế năm 1998. “Mức giảm GDP từ đỉnh xuống đáy của Nga hiện được dự báo là khoảng 12%, tương đương với mức giảm 10% trong khủng hoảng năm 1998, 11% trong khủng hoảng năm 2008 và 9% do cú sốc Covid-19”, nhà phân tích Anatoliy Shal của JPMorgan viết trong báo cáo gửi khách hàng. Ngân hàng Mỹ này cũng dự báo xuất khẩu của Nga sẽ giảm khoảng 13%, trong khi nhu cầu nội địa và nhập khẩu lần lượt giảm khoảng 10% và 30%.
Đọc thêm: Coca-Cola, Pepsi và loạt ông lớn của Mỹ “quay xe” tạm dừng kinh doanh tại Nga
Khi kinh tế Nga chao đảo, thế giới cũng chao đảo theo, vì Nga là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Bất ổn ở Nga đẩy giá dầu thô và khí đốt tăng vọt, khiến áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng lớn, đặt ra rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và “làm khó” các ngân hàng trung ương khi phải lựa chọn giữa một bên là chống đà leo thang của giá cả, và một bên là bảo toàn sự phục hồi của nền kinh tế từ đại dịch Covid-19. Có thể nói rằng năng lượng là kênh tác động mạnh mẽ nhất của xung đột quân sự Nga-Ukraine đến kinh tế thế giới.
Dù phương Tây chưa nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Nga, sự trừng phạt đến thời điểm này đã đủ để khiến giá dầu tăng từng ngày, từng giờ. Từ trước khi xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra, giá dầu thế giới đã trong xu hướng tăng mạnh do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong phiên ngày 3/3, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London có lúc đạt gần 120 USD/thùng – mức cao nhất kể từ năm 2008.
Giới đầu tư đang lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga ngay cả khi Mỹ và các nước đồng minh không trừng phạt bộ phận này của nền kinh tế Nga. Dầu Nga được bán trên thị trường quốc tế đang bị khách mua “quay lưng”, vì việc thanh toán cho những thùng dầu này đã trở nên khó khăn do trừng phạt đối với ngân hàng Nga, mặt khác cũng do các nhà giao dịch không muốn mua-bán dầu Nga vì sợ gặp phải rắc rối sau này liên quan đến các biện pháp trừng phạt. Chưa kể, các tàu chở dầu cũng ngại gặp rủi ro khi đi qua Biển Đen ở thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Service, một công ty phân tích thị trường hàng hoá cơ bản, giá dầu thô Ural của Nga đang có giá thấp hơn 10,6 USD/thùng so với giá dầu Brent – giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu, và đây là mức chênh lệch lớn kỷ lục giữa giá hai loại dầu này.
JPMorgan Chase ước tính khoảng 66% số dầu xuất khẩu của Nga hiện không có khách mua và dự báo giá dầu giá dầu thế giới có thể đạt 185 USD/thùng vào cuối năm nay nếu dòng dầu từ Nga tiếp tục bị gián đoạn.
Đọc thêm: Nhận định mới về giá dầu: Có thể lên 240USD/thùng?
Kinh tế thế giới chao đảo và mối đe dọa từ nguy cơ “stagflation”
Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã tăng hơn 40%, kéo giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh tại gần như tất cả mọi quốc gia. Ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit, xung đột vũ trang Nga-Ukraine có thể dẫn tới sự gián đoạn trên thị trường năng lượng ở cấp độ tương tự như những cuộc khủng hoảng dầu lửa lớn vào thập niên 1970.
“Đây sẽ là một sự gián đoạn thực sự lớn về mặt hậu cần, và thị trường sẽ ra sức mua dầu”, ông Yergin nói. “Đây là một cuộc khủng hoảng nguồn cung, một cuộc khủng hoảng hậu cầu, một khủng khủng hoảng thanh toán, và quy mô của khủng hoảng sẽ giống như hồi những năm 1970. Cuộc khủng hoảng này sẽ là lớn nhất từ vụ thế giới Arab cấm vận dầu lửa và cách mạng Iran, hai cú sốc dầu lửa lớn”.
Vào năm 1973, các nước sản xuất dầu ở Trung Đông cắt cung cấp dầu cho Mỹ và các phương Tây khác nhằm trả đũa việc phương Tây hậu thuẫn Israel trong chiến tranh Arab-Israel vào năm đó. Cú sốc còn lại là kết quả của cách mạng Hồi giáo 1978-1979 ở Iran.
Xung đột Nga-Ukraine còn đe doạ chuỗi cung ứng vốn đã bị kéo căng của thế giới. Hai quốc gia này chiếm tổng cộng khoảng 14% sản lượng lúa mì và 29% xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Giá lúa mì giao sau trên thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao nhất gần 14 năm. Giá dầu cọ cũng tăng vọt vì thị trường tìm nguồn cung thay thế nguồn dầu hạt hướng dương bị mắc kẹt tại các cảng trên Biển Đen. Theo chỉ số Bloomberg Commodity Index, giá hàng hoá cơ bản toàn cầu đang cao nhất kể từ năm 2009.
Đọc thêm: Ukraine tạm ngưng xuất khẩu một số nông sản
Đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất, vì kịch bản xấu nhất là Nga có thể cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu để trả đũa phương Tây. Trong trường hợp đó, lạm phát ở khu vực Eurozone có thể tăng vọt lên 7% và lạm phát ở Anh có thể vượt 10%, theo dự báo của Oxford Economics. Lạm phát tháng 1 ở Eurozone đã cao kỷ lục 5,8% và ở Anh là 5,5%.
Trước khi xảy ra cuộc tấn công của Nga, giới phân tích đã dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 3, và có tổng cộng 7 lần tăng trong năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị trường tin rằng Fed sẽ chỉ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 3 và giãn tiến độ nâng trong năm nay. Điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần vừa rồi, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Mỹ vì giá cả leo thang sẽ cản trở tiêu dùng và đầu tư.
Một mối lo lớn của giới đầu tư toàn cầu vào lúc này là nguy cơ xuất hiện “stagflation” – tình trạng khi lạm phát leo thang kết hợp với sản lượng kinh tế trì trệ, khiến các nền kinh “sa lầy” và thị trường việc làm giảm sút. Nỗi lo này đã khiến cổ phiếu bị bán tháo ở nhiều thị trường trong những ngày qua. Tính đến tuần trước, chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ đã giảm 4 tuần liên tiếp. Cùng với đó, nhà đầu tư mua mạnh những tài sản an toàn như vàng, đưa giá kim loại quý này tăng gần 8% từ đầu năm.
Có thể nói rằng Nga sẽ là nền kinh tế hứng chịu nhiều tổn thất nhất. Trong một kịch bản do Oxford Economics đưa ra, sản lượng kinh tế Nga trong năm 2023 sẽ thấp hơn 7% so với mức mà nước này có thể đạt được nếu không tấn công Ukraine. Nhưng thế giới cũng bị “vạ lây” không ít, với dự báo của Oxford Economics cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ giảm đi 1,1 điểm phần trăm so với trường hợp không có xung đột vũ trang Nga-Ukraine.
An Huy – VnEconomy