Lãi suất kép là gì mà Warren Buffett thì ngợi ca nó là “điều tuyệt vời nhất trong công cuộc đầu tư và kinh doanh”, còn Albert Einstein tôn vinh nó là kỳ quan thứ 8 của thế giới.
Lãi suất kép là gì?
Lãi suất kép là gì? Câu hỏi này được rất nhiều người đặt ra khi nghe nói về sức mạnh mà lãi suất kép mang lại.
Lãi suất kép, tiếng anh là Compounding Interest. Hiểu một cách đơn giản, nó là tái đầu tư lãi. Sau khi sinh lời, số tiền lãi đó sẽ tiếp tục được dồn vào tiền vốn và tiếp tục một chu kỳ đầu tư tiếp theo. Ở các giai đoạn sau, vốn gửi càng nhiều, lãi suất càng cao.
Lãi suất kép, có thể hiểu như ông bà ta ngày xưa vẫn nói “lãi mẹ đẻ lãi con”. Mấu chốt của lãi kép là thời điểm đầu tư và lãi suất. Trong đó, thời gian mang tính chất quyết định. Nếu bạn đầu tư các sớm, mức lãi kép sẽ càng “khủng”. Số tiền nhỏ khi thực hiện theo phương thức lãi suất kép thậm chí sẽ giúp bạn thực hiện được những kế hoạch lớn trong cuộc đời như mua nhà, mua xe hay đầu tư làm ăn.
Sức mạnh của lãi kép
Nếu có ý định gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng, bạn không thể không biết về lãi suất kép nếu muốn đạt được lợi nhuận lớn về sau. Tất nhiên, giai đoạn vài năm đầu, lãi suất kép có thể khiến bạn cảm thấy… chẳng khác gì lãi suất thường. Nhưng từ năm thứ 10 trở đi, lãi suất kép sẽ chứng minh sức mạnh của nó. Sau một thời gian dài, khoảng 25-30 năm, số tiền đẻ ra từ khoản đầu tư theo hình thức lãi suất kép sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
Công thức tính lãi suất kép
Khách hàng có thể tham khảo công thức tính lãi suất kép sau để có thể dự trù được số tiền mình sở hữu sau thời gian gửi tiết kiệm theo hình thức này.
Lãi suất kép được tính bằng công thức sau: P’ =P(1+ r/n)^n x t
Trong đó:
P’: Tổng tiền gốc mới
P: Tổng tiền gốc
R: Lãi suất danh nghĩa hàng năm
n = số lần tiền lãi được nhập gốc mỗi năm
t = số năm tiền được mượn
Tổng lãi kép là giá trị cuối cùng trừ đi số tiền gốc ban đầu.
Ví dụ:
Gửi tiết kiệm 150.000.000 đồng (P)
Lãi suất: 5.8% ®
Tiền lãi nhập vào gốc hàng quý: 4 lần (n)
Gửi trong 8 năm (t)
Tổng số tiền gốc mới = 150.000.000 x (1+0,0058/4) ^ (8 x4)
Số tiền lãi kép bạn nhận được sẽ bằng tổng tiền gốc mới – tiền gốc cũ.
Nguyên tắc để vận dụng lãi kép hiệu quả
Như đã nói, mấu chốt của lãi kép chính là câu chuyện thời gian. Bởi vậy, việc tiết kiệm từ sớm là yếu tố tiên quyết để bạn có thể vận dụng lãi kép một cách hiệu quả. Một khoản tiền nhỏ theo thời gian sẽ giúp số tiền tiết kiệm của bạn được nhân lên theo thời gian.
Ngoài ra, tiết kiệm đều đặn cũng là một nguyên tắc để vận dụng lãi kép hiệu quả. Số tiền gửi sẽ không được sử dụng. Bởi có như vậy mới cho khoản tiền gửi của mình sinh sôi nảy nở. Với 3 triệu đồng mỗi tháng, sau 20 năm bạn có khoản tiền hơn 800 triệu. Lãi kép bạn chỉ thấy được đối với các khoản tiết kiệm dài hạn mà thôi, bởi thế kiên trì là điều vô cùng cần thiết.
Không được trì hoãn là một trong những nguyên tắc để lãi kép hiệu quả hơn. Đừng đợi tới sang năm hay đến thời gian nào đó mới tiết kiệm mà nên làm ngay. Bởi 1 năm cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong lãi kép.
Gửi tiết kiệm như thế nào để hưởng lãi suất kép?
Thông thường, khách hàng vẫn hay gửi tiết kiệm theo kiểu truyền thống đó là gửi tiết kiệm thường hoặc có kỳ hạn. Nhưng gửi tiết kiệm lãi suất kép thì bạn sẽ phải gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài. Hiểu đơn giản, bạn vẫn gửi tiết kiệm hàng tháng, nhưng đáo hạn bạn không rút tiền mà tự động quay vòng 1 kỳ hạn như ban đầu. Như vậy, lãi suất mỗi kỳ sẽ cộng dồn vào tiền gốc và tính lãi cho kỳ sau. Đây chính là lãi suất kép.
Hiện nay chỉ có một số ngân hàng huy động tiền gửi tiết kiệm dài hạn ở mức tối ta là trên 60 tháng (5 năm) như LienVietPostBank (lãi suất 6,99%/năm) và Viecombank (lãi suất 5,3%/năm). Ngoài ra, một số ngân hàng có kỳ hạn 3 năm như Sacombank (lãi suất 6.7%/năm), Techcombank (4.8%/năm), TPBank (6.3%/năm).
Tuy nhiên, một khuyến cáo được đưa ra là nếu bạn dự đoán được mức lãi suất sẽ giảm trong dài hạn thì gửi tiết kiệm dài hạn. Nếu không, việc gửi sẽ khiến cho khách hàng gặp khó khăn trong rút, gửi tiền… Vì thế, tốt nhất khách hàng nên gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm để có thể hưởng mức lãi suất cao nhất. Nếu không có nhu cầu rút khi đáo hạn, ngân hàng sẽ tự động quay vòng gốc lẫn lãi cho bạn, hưởng lãi suất hiện hành.
Cát Anh (T/h)