Thị trường chứng khoán vừa khép lại thêm phiên giao dịch đầu tuần với sắc đỏ bao trùm, thậm chí có đến hơn 260 cổ phiếu giảm sàn. VN-Index kết phiên giảm 33,67 điểm (-3,3%) xuống mức 986,15 điểm – tương đương thời điểm Covid lần đầu xuất hiện tại Việt Nam hồi giữa tháng 1/2020. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số đóng cửa dưới 1.000 điểm sau hơn 23 tháng kể từ ngày 19/11/2020.
Tính từ đầu năm, thị trường đã có 28/42 lần giảm điểm vào phiên đầu tuần. Phần lớn những lần mất điểm vào thứ 2, VN-Index đều giảm mạnh trên/dưới 30 điểm, thậm chí có những phiên lên đến hơn 60 điểm. Chiều ngược lại, thị trường không có nhiều phiên thực sự bùng nổ vào đầu tuần và VN-Index cũng chưa có phiên thứ 2 nào tăng trên 30 điểm kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Một trong những nguyên nhân thị trường biến động mạnh vào phiên giao dịch đầu tuần sở dĩ bởi các thông tin xấu về doanh nghiệp, về thị trường thường được công bố sau giờ giao dịch của ngày thứ 6. Trong khi đó, với đặc thù nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 99% số tài khoản, yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về cơ bản, thông tin xấu thường xuất hiện vào ngày cuối tuần sẽ giúp nhà đầu tư có thêm thời gian suy nghĩ kỹ về những tác động của thông tin. Sau đó, nhà đầu tư thường đưa ra quyết định vào đầu tuần sau thay vì hành động vội vàng trong giờ giao dịch. Tuy nhiên, hiệu ứng cuối tuần của tin xấu đôi khi lại tạo thêm áp lực cho ngày thứ 2 dẫn đến các phiên giảm mạnh xuất hiện dày đặc.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, thị trường cũng có xác suất giảm điểm mạnh vào phiên thứ 6 do nhà đầu tư đối mặt với áp lực bán mạnh hơn trước khi thị trường bước vào các ngày nghỉ cuối tuần, thời điểm có thể có thể xuất hiện những biến động khó lường.
Trên thực tế, nhịp sụt giảm vừa qua đã hiện thực hóa cả 2 trường hợp kể trên. Cùng với phiên giảm mạnh vào thứ 6 tuần trước, thị trường đã có 2 phiên giảm trên 3% liên tiếp. Lần gần nhất tình trạng này xảy ra đã cách đây hơn 5 tháng, vào 2 ngày 12-13/5 khi VN-Index lần lượt mất 4,8% và 4,5%. Thời điểm đó cũng là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 4/2021, chỉ số rơi xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm.
Với 2 phiên giảm mạnh vừa qua, giá trị vốn hóa HoSE đã “bốc hơi” gần 290.000 tỷ đồng (~12,2 tỷ USD) và chỉ còn chưa đến 4 triệu tỷ đồng. So với thời đỉnh cao hồi đầu tháng 4, vốn hóa HoSE đã bị thổi bay 2,1 triệu tỷ đồng sau chưa đầy 7 tháng.
Nhịp giảm mạnh những phiên giảm mạnh vừa qua đưa mức định giá thị trường đã thấp lại càng xuống thấp hơn. P/E trailing của VN-Index hiện đã rơi xuống mức 10,1x gần tương đương với đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn năm 2012. Cùng với đó, định giá của nhiều cổ phiếu lớn như ngân hàng, HPG, SSI, VND đã về gần giá trị sổ sách với P/B xấp xỉ 1 lần, điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
Dù triển vọng dài hạn vẫn được đánh giá lạc quan nhưng thị trường được dự báo sẽ vẫn còn phải đối mặt với nhiều sóng gió trong ngắn hạn. KQKD của các doanh nghiệp lớn sẽ dần được hé lộ trong những ngày tới và diễn biến không thuận lợi của thị trường khiến nhà đầu tư lo ngại về số liệu lợi nhuận không được như kỳ vọng. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán và một số doanh nghiệp thép đã công bố KQKD với nhiều cái tên tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ trong quý vừa qua.
Các thông tin về KQKD quý 3 sẽ có ảnh hưởng nhất định đến xu hướng thị trường thời gian tới. Ngoài ra, công tác điều hành tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng rất được quan tâm bên cạnh những tác động từ bên ngoài, đặc biệt là động thái của Fed tại kỳ họp vào tháng 11.