Với mỗi nền kinh tế của một quốc gia, lạm phát có thể coi là “căn bệnh nguy hiểm”. Do đó kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ chiến lược để duy trì và phát triển kinh tế. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu lạm phát là gì và khám phá những điều có thể bạn chưa biết về khái niệm này.
1. Lạm phát là gì?
Lạm phát là thuật ngữ chỉ sự tăng lên liên tục mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian, và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nhất định. Khi mức giá chung tăng lên quá cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được lượng hàng hóa và dịch vụ ít hơn so với trước đây, chính vì vậy lạm phát cho thấy sự giảm sút của sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Đối với một quốc gia sử dụng tiền mặt để làm đơn vị trung gian thanh toán thì lạm phát là một hiện tượng kinh tế tự nhiên, yếu tố này được tính theo đơn vị % và chia làm 03 mức độ:
- Lạm phát tự nhiên (0 – dưới 10%): Khi tình trạng lạm phát ở mức độ này xảy ra thì nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường, với rủi ro thấp và đời sống của người dân tương đối ổn định.
- Lạm phát phi mã (10% đến dưới 1000%): Tình trạng lạm phát phi mã xảy ra sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, khiến cho nền kinh tế bị biến động trầm trọng.
- Siêu lạm phát (trên 1000%): Tình trạng siêu lạm phát sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn cho một quốc gia. Khi xảy ra siêu lạm phạt, quốc gia đó sẽ khó có thể khắc phục nền kinh tế trở lại về trạng thái ban đầu.
Một số khái niệm liên quan khác:
- Giảm phát: là sự sụt giảm trong mức giá chung của nền kinh tế
- Thiểu phát: là lạm phát ở tỷ lệ rất thấp. Ở Việt Nam, có nhiều người thường nhầm lẫn thiểu phát với giảm phát
- Siêu lạm phát (trên 1000%): là tình trạng lạm phát cao nhất, có tác động phá hoại nền kinh tế, vòng xoáy ngoài tầm kiểm soát
- Tái lạm phát: Nỗ lực nâng cao mức giá chung để chống lại áp lực giảm phát
2. Lý do nào dẫn đến tình trạng lạm phát?
Lạm phát có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
Lạm phát do cầu kéo
Lạm phát do cầu kéo có thể hiểu là khi nhu cầu của thị trường về một mặt hàng tăng lên, sẽ kéo theo giá cả của mặt hàng đó tăng. Đồng thời, giá cả của hàng loạt hàng hóa khác cũng tiếp đà “leo thang”. Như vậy, giá trị của đồng tiền khi đó cũng bị mất giá, người tiêu dùng sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua một hàng hóa hoặc sử dụng một dịch vụ so với bình thường.
Lạm phát do chi phí đẩy
Lạm phát do chi phí đẩy có thể liệt kê như: Giá cả nguyên liệu mua vào, tiền lương công nhân, thuế, tiền máy móc, chi phí bảo hiểm,… của một doanh nghiệp, tổ chức. Một khi những chi phí này tăng lên sẽ buộc doanh nghiệp, tổ chức đó phải tăng giá sản phẩm để đảm bảo thu được lợi nhuận. Điều này sẽ khiến tình trạng mức giá chung của toàn thể kinh tế đều tăng theo.
Lạm phát do cơ cấu
Với ngành kinh doanh đạt hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tăng tiền công “danh nghĩa” cho người lao động. Nhưng một số nhóm ngành kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp vẫn phải theo xu thế mà tăng tiền công cho người lao động. Nhưng vì việc kinh doanh không đạt hiệu quả, nên khi phải tăng tiền công cho người lao động, họ buộc phải tăng giá sản phẩm lên để đảm bảo duy trì lợi nhuận, từ đó làm phát sinh lạm phát.
Lạm phát do cầu thay đổi
Lạm phát do cầu thay đổi có thể hiểu là khi thị trường giảm nhu cầu tiêu thụ về một mặt hàng, nhưng do mặt hàng đó được cung cấp độc quyền nên bên cung ứng vẫn không thể giảm giá thành. Trong khi đó, lượng cầu về một mặt hàng khác tăng lên, song song đó giá cũng tăng.
Lạm phát do xuất khẩu
Đây là hiện tượng lạm phát do sự mất cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu. Tổng cầu từ cả trong nước lẫn nước ngoài khiến tổng cung không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tạo ra sự khan hiếm. Khi đó, giá thành của các sản phẩm thiếu hụt sẽ tăng lên.
Lạm phát do nhập khẩu
Khi hàng hóa được nhập khẩu tăng giá do thuế hoặc do giá cả, khiến giá bán ra của mặt hàng đó trong nước cũng tăng theo. Nếu mức giá chung của mặt hàng bị giá cả của hàng hóa nhập khẩu đội lên sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát do nhập khẩu.
Lạm phát do tiền tệ
Lạm phát do tiền tệ có nguyên nhân đến từ các ngân hàng, khiến lượng tiền lưu hành trong nước tăng, phát sinh lạm phát, khi ngân hàng tiến hành mua ngoại tệ vào để duy trì giá trị đồng tiền trong nước hoặc do ngân hàng mua trái theo yêu cầu nhà nước.
3. Lạm phát được đo lường như thế nào?
Lạm phát có thể được đo lường bằng cách theo dõi sự thay đổi giá cả của phần lớn các hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế. Thông thường, lạm phát sẽ được tính dựa trên dữ liệu được thu thập và thống kê bởi các tổ chức Nhà nước, các liên đoàn lao động và các tạp chí kinh doanh,…
Chỉ số giá tiêu dùng (chỉ số giá cả CPI) là yếu tố quan trọng để đo lường lạm phát. CPI được tính theo bình quân gia quyền của một nhóm các hàng hóa thiết yếu. Giá thành của các loại hàng hóa và dịch vụ cùng được tổ hợp để đưa ra một chỉ số giá cả, đo mức giá cả trung bình của một nhóm các sản phẩm. Tỷ lệ lạm phát chính là tỷ lệ phần trăm mức tăng của chỉ số CPI.
Trong mỗi giai đoạn của nền kinh tế, có thể có giá mặt hàng này giảm, mặt hàng kia tăng, nhưng nếu mức giá chung cùng tăng sẽ xảy ra lạm phát. Nếu mức giá chung giảm, đây là tình trạng giảm phát. Nếu chỉ có một số mặt hàng tăng lên đơn lẻ thì không được tính là lạm phát. Đây đơn giản chỉ là một sự mất cân đối tạm thời giữa cung và cầu trên thị trường trong ngắn hạn. Khi lạm phát xảy ra, đồng nghĩa với việc giá trị của đồng tiền cũng bị sụt giảm.
4. Lạm phát có tác động thế nào đến nền kinh tế?
Lạm phát là một “căn bệnh” mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng đều gặp phải. Nó như con dao hai lưỡi, vừa thúc đẩy, vừa kìm hãm sự phát triển kinh tế thông qua sự tác động của mình.
4.1 Tác động tiêu cực
Trước hết, điều dễ nhận thấy là lạm phát có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của một đất nước. Cụ thể:
Lạm phát tác động trực tiếp lên lãi suất
Việc lạm phát tác động trực tiếp lên lãi suất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các yếu tố còn lại của nền kinh tế. Nhằm duy trì sự ổn định trong hoạt động, trước tiên ngân hàng cần ổn định lãi suất thực. Việc tăng lãi suất danh nghĩa sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, điển hình là sự suy thoái kinh tế và thất nghiệp gia tăng.
Lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập thực tế
Khi lạm phát tăng nhưng thu nhập danh nghĩa của người lao động không thay đổi thì làm cho thu nhập thực tế của họ giảm xuống. Lạm phát sẽ làm giảm thu nhập thực từ các khoản lợi tức, các khoản lãi. Từ đó, thu nhập thực tế của người cho vay bằng thu nhập danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát bị giảm xuống, sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế xã hội.
Lạm phát làm cho phân phối thu nhập không bình đẳng
Khi lạm phát tăng lên, giá trị của đồng tiền sẽ giảm sút, như vậy, người đi vay sẽ có lợi trong việc vay vốn. Từ đó, làm tăng lên nhu cầu tiền vay trong nền kinh tế, đẩy lãi suất vay lên cao.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ làm mất cân đối quan hệ cung – cầu hàng hoá trên thị trường. Tình trạng lạm phát như vậy sẽ có thể gây ra những rối loạn trong nền kinh tế và tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập, về mức sống giữa người giàu và người nghèo.
Lạm phát ảnh hưởng đến các khoản nợ quốc gia
Lạm phát đã làm tỷ giá tăng và đồng tiền trong nước trở nên mất giá trị nhanh hơn so với đồng tiền nước ngoài tính trên các khoản nợ. Điều đó dẫn đến tình trạng các khoản nợ quốc gia trở nên nghiêm trọng hơn.
4.2 Tác động tích cực
Bên cạnh những tác động tiêu cực mà lạm phát gây ra cho nền kinh tế, lạm phát cũng có một số tác mặt cực nhất định. Khi tốc độ lạm phát duy trì ở mức vừa phải đó là từ 2-5% ở các nước phát triển và dưới 10% ở các nước đang phát triển sẽ mang đến một số lợi ích cho nền kinh tế, cụ thể:
- Kích thích hoạt động đầu tư, tiêu dùng, vay nợ giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội.
- Cho phép chính phủ có khả năng lựa chọn thêm các công cụ kích thích đầu tư vào những lĩnh vực ít ưu tiên, thông qua mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại mức thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định.
Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi lạm phát là gì. Có thể thấy rằng, lạm phát tác động vào nền kinh tế ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, do đó, mỗi quốc gia cần phải có chính sách điều tiết lạm phát phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.