Theo thống kê mới nhất từ Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat), tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lên đến 16,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2015, trong khi giá thực phẩm còn tăng mạnh hơn.
Theo Rosstat, giá cả trong tháng 3, tháng hoàn chỉnh đầu tiên kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, đã tăng 7,5% so với tháng trước đó.
Ngân hàng trung ương Nga đặt mục tiêu lạm phát là 4%, nhưng do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây, con số gần đây nhất của năm cao hơn gấp hơn 4 lần. Các nhà phân tích của Renaissance Capital dự đoán rằng lạm phát của Nga sẽ đạt đỉnh 24% vào mùa hè này.
Theo Rosstat, lạm phát giá lương thực, một mối lo ngại lớn đối với người dân Nga có thu nhập thấp và ít tiền tiết kiệm, đã lên tới 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá các loại mì đã tăng 25%, giá bơ tăng 22%, giá đường tăng 70% và giá rau quả tăng 35%. Các mặt hàng khác cũng chứng kiến đà tăng giá mạnh là vật liệu xây dựng (32%) và hàng điện tử gia dụng (40%).
Lạm phát đã tăng nhanh trong nhiều tháng do các yếu tố bao gồm sự phục hồi sau đại dịch và giá nguyên liệu thô cao. Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin đã dẫn tới các lệnh trừng chưa từng có từ Mỹ và phương Tây, kéo theo đó là khó khăn chồng chất về hậu cần vận chuyển.
Lạm phát khiến sức mua suy giảm và đây cũng là một vấn đề gây đau đầu đối với giới chức nước này trong những tháng gần đây. Các chính sách kiểm soát lạm phát không phát huy hiệu quả, thậm chí còn gây ra hiệu ứng ngược với một số mặt hàng như đường.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất lên 20% và chính phủ nước này đã triển khai các biện pháp hỗ trợ. Sau thời điểm rơi xuống mức thấp nhất vào ngày 7/3, đồng nội tệ của Nga đã có sự phục hồi đáng kể gần đây. Ngày 8/4, Ngân hàng Trung ương Nga quyết định hạ 300 điểm lãi suất chủ chốt xuống 17%. Đây là một trong số động thái nới lỏng sau khi đồng rúp tăng giá.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng tác động từ lệnh trừng phạt vẫn sẽ tiếp diễn. Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thiết bị sản xuất và hàng tiêu dùng, Nga có khả năng rơi vào suy thoái sâu.