Làm thẻ tín dụng, nhất định phải cân nhắc những điều này

Làm thẻ tín dụng, nhất định phải cân nhắc những điều này

Các chuyên gia cho rằng, cần phải làm rõ ưu và nhược điểm của thẻ tín dụng trước khi quyết định có mở nó hay không?

Chắc hẳn, bạn không ít lần cân nhắc trước những lời mời chào làm thẻ tín dụng vô cùng nhiệt tình từ phía các nhân viên ngân hàng. Vậy, việc làm thẻ tín dụng có nên không? Phải cân nhắc những điều gì? Hãy cùng tham khảo ý kiến của chuyên gia nhé.

Trước hết, chúng ta phải hiểu về bản chất của thẻ tín dụng. Nó thực chất là một sản phẩm tài chính tiện ích, giúp khách hàng có thể tiêu dùng một cách thuận lợi và dễ dàng. Khi sở hữu thẻ tín dụng trong tay, chúng ta sẽ được cấp một hạn mức tối đa hàng tháng. Với việc này, chúng ta không cần phải có tiền mặt vẫn có thể sử dụng thẻ để chi trả một sản phẩm, dịch vụ. Hiểu đơn giản, nhà phát hành thẻ cho chúng ta sử dụng tiền của họ không phải trả lãi suất trong một thời hạn nhất định.

Tuy nhiên, khi hết thời hạn miễn lãi suất, bạn phải hoàn trả lại số tiền. Trường hợp không hoàn trả sẽ bị tính lãi suất ở mức cao, thêm vào đó bạn có thể bị ảnh hưởng xếp hạng tín dụng, ảnh hưởng đến việc xét duyệt khoản vay hoặc khi vay phải trả lãi suất cao so với người có điểm tín dụng tốt.

Một số vấn đề khi mở thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng mang lại sự tiện dụng là điều không thể chối cãi khi không cần mang theo tiền, đổi tiền hay giữ tiền lẻ, tránh được một vài phiền phức khi cầm thẻ tín dụng trong tay.

Nhưng chính bởi sự dễ dàng trong cách sử dụng (Quẹt thẻ) nên đã làm giảm đi sự mất mát – thứ cảm giác được tạo ra khi tiêu tiền mặt, khiến người ta phải đắn đo khá nhiều. Và chính cảm giác này giảm đi đã “tiếp tay”cho việc chi tiêu trở nên phóng túng, thoải mái hơn.

Tuy nhiên, khi các loại thẻ ra đời, thay vì phải đưa tiền cho người bán, chúng ta chỉ cần quẹt thẻ. Do đó cảm giác “mất mát” giảm đi rất nhiều, chúng ta rút ngắn sự cân nhắc, đắn đo và chi tiền thoải mái hơn, hào phóng hơn. Như vậy, việc dùng thẻ tín dụng có thể là nguyên nhân dẫn đến chi tiêu nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn.

Một mặt trái khác của thẻ tín dụng chính là nếu chẳng may làm mất thẻ hay mất thông tin bảo mật sẽ khiến kẻ gian có thể sử dụng thẻ đó để chi tiêu. Và tất nhiên, mất không ít thời gian vào việc giải quyết các giao dịch gian lận này. Đặc biệt, không phải lúc nào chủ thẻ cũng lấy lại được số tiền đã mất.

Bởi chức năng quan trọng của thẻ tín dụng là kích thích tiêu dùng. Do đó, các ngân hàng thường đưa ra chương trình miễn phí thường niên và các chương trình hoàn tiền (cashback) nhằm chào mời khách hàng sử dụng. Đồng nghĩa với việc, muốn hưởng ưu đãi từ các hoạt động tiêu dùng, cần phải trở thành chủ thẻ.

Trên thực tế, nếu sử dụng thẻ tín dụng một cách hợp lý, chủ thẻ sẽ được hoàn nhiều khoản tiền khi đi siêu thị, đóng học phí, trả phí bảo hiểm hay mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.

Sử dụng thẻ tín dụng nếu biết quản lý chi tiêu tốt

Việc sử dụng thẻ tín dụng ngang với việc bạn dùng một khoản nợ tiêu dùng. Tùy vào mục đích và phương pháp của người sử dụng, nó sẽ chia thành nợ tốt và nợ xấu. Do đó, việc dùng thẻ tín dụng không ngoài sự tiện dụng hay các chương trình ưu đãi dành cho thẻ còn nằm ở phương pháp quản lý chi tiêu.

Thông thường, sau khi có lương, chúng ta cần làm việc đầu tiên là trích ra khoản tiết kiệm trước khi mang chúng đi chi tiêu. Trích ra bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào thu nhập, số người phụ thuộc của bạn. Phần mang đi chi tiêu chia thành chi tiêu thiết yếu (khoản bắt buộc: tiền học, tiền nhà – điện – nước, tiền bảo hiểm…) và chi tiêu nhu cầu (mang tính hưởng thụ: ăn uống bên ngoài, du lịch, làm đẹp, đồ dùng thiết yếu…).

Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng cho các khoản chi tiêu thiết yếu bởi dù tiền mặt hay thẻ nó cũng không khiến chúng ta tiêu hoang hơn. Nhưng hãy nhớ thời hạn thanh toán thông qua email, tin nhắn nhắc nhở của ngân hàng. Một lý do khác là bởi, các chương trình ưu đãi của thẻ tín dụng tập trung khá nhiều vào các hoạt động chi tiêu thiết yếu như đóng bảo hiểm, đóng học phí hay đi siêu thị.

Ngược lại, với các khoản chi tiêu hưởng thụ thì cần cẩn trọng khi sử dụng thẻ tín dụng. Bạn vẫn có thể sử dụng nó nhưng cần phải đặt ra một giới hạn về ngân sách, chẳng hạn là không vượt quá 15% về thu nhập. Cũng có thể khi thích sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó sẽ đợi thêm một vài ngày mới quyết định chọn mua và sử dụng tiền mặt để hạn chế nhu cầu chi tiêu.

Có thể thấy, thẻ tín dụng có cả mặt ưu và nhược điểm. Tuy nhiên, chỉ cần quản lý chi tiêu tốt, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó và tận dụng được những lợi thế của nó. Do đó, bạn có thể bắt đầu với một thẻ hạn mức từ 1-2 lần thu nhập của mình để tạo thói quan chi tiêu, trả nợ đúng hạn. Chọn thẻ thế nào? Bạn hãy xem khoản chi tiêu nào chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách và chọn ra thẻ có ưu đãi tốt trong lĩnh vực đó.

Exit mobile version