Thực phẩm tăng giá, hóa đơn nhiên liệu tăng vọt, tiền lương không theo kịp tốc độ tăng. Lạm phát đang ăn mòn ví tiền của người dân, làm dấy lên làn sóng phản đối và đình công của công nhân trên khắp thế giới để đòi tăng lương.
Trong tuần này đã chứng kiến các cuộc biểu tình của phe đối lập chính trị ở Pakistan, y tá đình công ở Zimbabwe , công nhân đoàn thể ở Bỉ, công nhân đường sắt ở Anh, hàng trăm phi công Mỹ và một số công nhân hàng không châu Âu. Thủ tướng Sri Lanka tuyên bố nền kinh tế ‘sụp đổ hoàn toàn’ sau nhiều tuần bất ổn chính trị.
Các nhà kinh tế cho rằng cuộc chiến của Nga và Ukraine đã làm gia tăng lạm phát thông qua đẩy chi phí năng lượng và giá phân bón, ngũ cốc và dầu ăn lên cao hơn.
Khi giá cả tăng lên, lạm phát có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và mở rộng khoảng cách giữa hàng tỷ người đang phải vật lộn để trang trải chi phí cuộc sống.
Tổ chức chống nghèo đói Oxfam đang kêu gọi Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong hội nghị thượng đỉnh từ ngày 26-28/6 tại Đức, giảm nợ cho các nền kinh tế đang phát triển và đánh thuế các tập đoàn lớn. Các cuộc biểu tình đã thu hút sự chú ý của chính phủ các nước. Chính phủ đã phản ứng với việc giá tiêu dùng tăng vọt bằng các biện pháp hỗ trợ như mở rộng trợ cấp cho các hóa đơn điện nước và cắt giảm thuế nhiên liệu.
Tuy nhiên, biện pháp này không mấy hiệu quả vì thị trường năng lượng luôn biến động. Các ngân hàng trung ương đang cố gắng giảm bớt lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Trong khi đó, nhiều người lao động lựa chọn đình công để gây áp lực buộc giới chủ ngồi vào bàn đàm phán về việc tăng lương để theo kịp đà tăng giá tiêu dùng. Eddie Dempsey, một quan chức cấp cao của Liên minh Đường sắt, Hàng hải và Vận tải của Anh, đơn vị đã khiến các dịch vụ xe lửa của Anh gần như bế tắc do các cuộc đình công trong tuần này, ông cũng cho biết sẽ có nhiều yêu cầu tăng lương trên các lĩnh vực khác.
“Đã đến lúc nước Anh tăng lương. Tiền lương đã giảm trong 30 năm và lợi nhuận của công ty đang tăng vọt,” ông Dempsey nói.
Tuần trước, hàng nghìn công nhân lái xe tải ở Hàn Quốc đã có cuộc đình công kéo dài 8 ngày và khiến quá trình giao hàng đình trệ khi họ kêu gọi đảm bảo mức lương tối thiểu trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Nhiều tháng trước đó, những người lái xe tải ở Tây Ban Nha đã đình công để phản đối giá nhiên liệu.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với những người tị nạn và người nghèo ở các khu vực xung đột như Afghanistan, Yemen, Myanmar và Haiti, nơi căng thẳng địa chính trị khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa và dựa vào các tổ chức viện trợ và vật lộn để kiếm tiền.