Tại sao lệnh stop loss lại là lệnh đầu tư mà bất cứ trader nào cũng nên biết cách sử dụng? Hãy cùng Vimoney tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Việc thua lỗ trên thị trường chứng khoán có rất nhiều nguyên do, một trong số đó là quản trị rủi ro không tốt. Với sự tự tin thái quá rằng thị trường sẽ dịch chuyển theo hướng mình nghĩ hoặc mong muốn, nhiều trader đã thất bại trên bảng điện tử.
Tất nhiên, đây hầu như là sai lầm xảy đến đối với những trader non trẻ, còn thiếu kinh nghiệm khi đặt cảm xúc lên trên logic. Còn đối với các trader có kinh nghiệm, họ biết cách để dừng lỗ bằng lệnh stop loss trong quá trình giao dịch.
Lệnh Stop Loss là gì?
Trên thị trường chứng khoán, Stop Loss là một loại lệnh đầu tư dùng để hạn chế lỗ tại một mức giá đã được đặt ra từ trước, mục đích là để phòng chống rủi ro.
Lấy ví dụ một cách đơn giản như sau: Một nhà đầu tư nắm trong tay một lượng lớn khoảng 30.000 cổ phiếu, giá mua vào là 50.000 đồng/cổ, điểm kích hoạt cắt lỗ kỳ vọng là 47.000 đồng. Trong quá trình thị trường diễn biến, nếu cổ phiếu không tăng giá như kỳ vọng, thậm chí giảm thì xuống đến mức 47.000 đồng, lệnh Stop loss sẽ tự động được thực hiện. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế thua lỗ.
Trên thực tế, không ít nhà đầu tư không sử dụng lệnh stop loss mà thường lựa thị trường để tự đặt lệnh. Tuy nhiên, tâm lý họ sẽ phải phân vân rất nhiều và câu chuyện thời gian có thể khiến cho họ bị thua lỗ sâu hơn sau các quyết định chần chừ.
Có 2 loại lệnh Stop loss cơ bản trong chứng khoán là Stop loss mua và Stop loss bán. Chiều hướng lệnh của chúng ngược nhau nhưng đều giúp nhà đầu tư tránh bị thua lỗ trên thị trường.
Cụ thể, lệnh Stop loss bán: Lệnh này sẽ tự động thực hiện lệnh bán cổ phiếu khi đạt ở mức nhất định. Trường hợp giá cổ phiếu đang có xu hướng giảm, nhà đầu tư nếu đặt lệnh stop loss có thể sẽ không bỏ lỡ việc cắt lỗ ở mức giá đã được cài đặt trước đó.
Lệnh Stop loss mua: Lệnh này sẽ thực hiện mua cổ phiếu theo mức giá nhất định đã được nhà đầu tư cài đặt từ trước. Thường giá mua sẽ được cài đặt cao hơn giá của thị trường hiện tại. Nếu cổ phiếu nào đó được dự đoán đang có dấu hiệu tăng, nhà đầu tư sẽ đặt lệnh Stop loss mua nhằm thu lợi nhuận chênh lệch từ xu hướng tăng giá này.
Hiểu một cách đơn giản, lệnh Stop loss sẽ giúp cho nhà đầu tư có thể chốt lời và cắt lỗ đúng lúc. Chỉ cần nắm bắt xu hướng của thị trường, nhà đầu tư khi sử dụng lệnh này có thể kịp thời mua hoặc bán cổ phiếu, trước khi thị trường biến đổi theo xu hướng bất lợi hơn.
Ưu và nhược điểm của lệnh Stop Loss
Tất nhiên, trên thực tế, lệnh stop loss cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, cụ thể như sau:
Ưu điểm:
– Lệnh Stop loss giúp tiết kiệm thời gian
Với nhà đầu tư bận rộn, không có nhiều thời gian soi bảng điện tử hàng ngày để theo dõi biến động thị trường thì việc cài sẵn lệnh Stop loss khá hữu hiệu.
– Đảm bảo an toàn cho danh mục đầu tư
Luôn có những nguyên tắc trong đầu tư chứng khoán, kể cả việc tăng bao nhiêu chốt lãi và thua bao nhiêu cắt lỗ. Do vậy, khi cổ phiếu giảm, lệnh cắt lỗ sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ được lợi nhuận của mình cũng như giới hạn khoản lỗ trong khả năng mà nhà đầu tư có thể chấp nhận được.
Nhược điểm:
– Hạn chế lợi nhuận
Trong trường hợp cổ phiếu rơi vào một chu kỳ tăng giá, nếu đặt giá quá giới hạn bán quá sớm, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ lợi nhuận nếu như cổ phiếu tiếp tục tăng giá sau đó.
– Khó khăn trong việc xác định giá giới hạn
Việc xác định giá giới hạn khi vào lệnh Stop loss tất nhiên là không đơn giản, nhất là với người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Thông thường, để tính toán lệnh cắt lỗ sao cho phù hợp, nhà đầu tư có thể dựa vào phân tích kỹ thuật hoặc phân tích cơ bản.
Đối với phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư vào lệnh Stop loss theo vùng hỗ trợ/kháng cự quan trọng hoặc các mô hình giá, mô hình nến hay các chỉ báo kỹ thuật như đường trung bình MA, Bollinger Band…
Trong khi đối với phân tích cơ bản, lệnh Stop loss có thể được đặt dựa theo số vốn nhà đầu tư đang sở hữu. Cụ thể, nhà đầu tư nên xác định giới hạn thua lỗ tối đa có thể chấp nhận được sau khi đã xác định được điểm vào lệnh cùng khối lượng cổ phiếu giao dịch. Thông thường, mức độ rủi ro tối đa đối với mỗi lệnh chỉ từ 1 – 2% tổng số vốn trong tài khoản.