Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thông tin về một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống.
Kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc
Sáng 24/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tại đây, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, về cơ bản cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc. Thực trạng này cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Trong đó, một số biện pháp được áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy được hiệu quả, có thể kể đến việc áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án…
Về tình hình nợ xấu nói chung, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, việc xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao. Chưa kể, so với nợ xấu của toàn bộ hệ thống thì một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao, đó là cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%), bất động sản (chiếm 18,4%); BOT, BT giao thông (3,92%).
UB Kinh tế đề nghị hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh
Số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; thêm vào đó, việc kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Do vậy, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân của tình trạng này.
Một vấn đề đáng lưu ý khác được ông Thanh đưa ra, đó là có ý kiến đề nghị đánh giá về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (được thực hiện đến ngày 30/6). Chính sách này mặc dù hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng có thể nó không phản ánh đầy đủ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42. Về vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cho hay, hầu hết các ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh áp lực nợ xấu của các tổ chức tín dụng dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Theo đơn vị, cần đồng thời kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao; các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này cần bị xử lý nghiêm.
Các kịch bản ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường tiền tệ thế giới cũng cần được xây dựng nhằm bảo đảm nguồn vốn được khơi thông…