Theo chuyên gia của Credit Suisse, việc các ngân hàng không có khả năng thanh toán do bị loại khỏi SWIFT cũng giống như việc Lehman Brothers không thể thực hiện thanh toán do ngân hàng đại diện không muốn thay mặt Lehman gửi thanh toán.
Khủng hoảng Lehman Brothers thứ 2 trong lịch sử?
Cuối tuần qua, Ngân hàng Credit Suisse lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc Nga bị loại khỏi SWIFT. Chiến lược gia Zoltan Pozsar của nhà băng Thuỵ Sỹ này đã tuyên bố trong báo cáo mới nhất của mình rằng quyết định loại một số ngân hàng quan trọng của Nga khỏi hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng quốc tế SWIFT có thể dẫn đến các khoản thanh toán bị chậm trễ và lượng thấu chi khổng lồ trong hệ thống ngân hàng.
SWIFT hiện đang kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tại Nga khoảng 300 ngân hàng và tổ chức sử dụng SWIFT, đứng thứ 2 toàn cầu sau Mỹ.
Ông Zoltan Pozsar đã so sánh những gì đang diễn ra trên thị trường tiền tệ với thị trường ở giai đoạn căng thẳng khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008 hay khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Ông kêu gọi “các ngân hàng trung ương nên sẵn sàng để hỗ trợ thị trường ngay từ phiên giao dịch đầu tuần này (28/2)”.
“Việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ dẫn tới những khoản thanh toán trễ hạn và thấu chi lớn tương tự như đã xảy ra vào tháng 3/2020.”
“Việc các ngân hàng không đủ khả năng thanh toán vì họ bị loại khỏi SWIFT cũng giống như việc Lehman Brothers không thể thanh toán do các ngân hàng đại diện không muốn thanh toán thay cho họ. Lịch sử sẽ không lặp lại, nhưng nó sẽ tương tự.”
Ông Ray Attrill, trưởng bộ phận đầu tư ngoại hối của ngân hàng National Australia Bank nhận định phương Tây đã nhắm tới ngân hàng trung ương Nga nhằm ngăn cản Moscow tiếp cận kho dự trữ ngoại hối trị giá 643 tỷ USD. “Nếu ngân hàng trung ương Nga không thể tiếp cận dự trữ thì cũng không thể ngăn đồng ruble rơi tự do”.
Giá USD tăng vọt vào phiên đầu tuần, trong khi đồng Rúp của Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục. Người dân Nga đang đổ xô đến các máy ATM và chi nhánh ngân hàng để rút tiền mặt ngoại tệ do lo ngại đồng Rúp sụp đổ.