Thương hiệu nông nghiệp lớn của Việt Nam – Lộc Trời đã báo lỗ trong quý II/2022 cùng thông tin giải thể hàng loạt công ty con, công ty liên kết.
Hàng loạt công ty con bị giải thể
Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố các quyết định giải thể và chuyển nhượng vốn đối với 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Lộc Trời Miền Bắc và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời.
LTG giải thể Công ty Cổ phần Lộc Trời Miền Bắc -công ty con mà tập đoàn nắm giữ 99,98% vốn điều lệ. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực dầu cám. Vốn điều lệ của công ty này theo báo cáo thường niên năm 2021 là 8 tỷ đồng.
Cùng với đó, LTG thông qua phương án chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (vốn điều lệ 56 tỷ đồng). LTG sở hữu 99,9% vốn điều lệ của công ty này. LTG sẽ chuyển nhượng số cổ phần là gần 5,6 triệu đơn vị, mức giá chuyển nhượng là 10.000 đồng/cổ phần. Thời gian thực hiện là trong năm 2022, LTG sẽ thu về gần 56 tỷ đồng.
Giống cây trồng Lộc Trời còn có 2 cổ đông khác là Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời và Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời. Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời – một trong những công ty con của LTG là đơn vị nhận chuyển nhượng.
Được biết năm 2021, 5 công ty con đã được tập đoàn Lộc Trời chuyển nhượng, gồm có: Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Hưng (vốn điều lệ 60 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng (vốn điều lệ 60 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (vốn điều lệ 60 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình (vốn điều lệ 120 tỷ đồng).
Tính đến cuối quý 2/2022, LTG có tổng cộng 21 công ty con và 1 công ty liên kết, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và bán buôn gạo, nông sản, kinh doanh thuốc trừ sâu, kho bãi…
Không ít chuyên gia nhận định, tình hình khó khăn hiện nay thì nhiều khả năng, các doanh nghiệp khác cũng phải “bán” công ty con để hạch toán doanh thu và lợi nhuận vào báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ.
Tình hình kinh doanh quý II/2022 của tập đoàn Lộc Trời
Trong lĩnh vực nông nghiệp, LTG là nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ có thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn này có chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và sản phẩm hữu cơ, đến tổ chức chế biến và xây dựng thương hiệu nông sản, kết nối tín dụng cho chuỗi sản xuất và hoạt động xuất khẩu để cung ứng nông sản đáp ứng yêu cầu chất lượng thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
LTG là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam, quy mô lên tới trên 80.000 tấn gạo/năm. Các thị trường xuất khẩu gạo lớn của Lộc Trời gồm có Châu Âu, Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng mạnh cùng với tình hình chiến sự phức tạp, an ninh lương thực thế giới bị ảnh hưởng nên Tập đoàn này tiếp tục báo lỗ trong quý II/2022.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II, doanh thu của LTG tăng 30% lên 3.547 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn 34% đã đẩy lợi nhuận gộp tăng 6%, đạt mức 372 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ mức 12,83% xuống 10,48%.
Doanh thu tài chính giảm 45%, đạt 7,8 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng lên 116 tỷ đồng, gấp đôi. Chi phí bán hàng ghi nhận 239 tỷ đồng, tăng 31%. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 88 tỷ đồng, tăng 17%.
Trong khi quý II/2021, tập đoàn Lộc Trời lãi sau thuế 47,3 tỷ đồng thì kết thúc quý II/2022, Lộc Trời lỗ 46,3 tỷ đồng. Tính luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 5.893 tỷ đồng, so với nửa đầu năm ngoái tăng 15%. Lợi nhuận sau thuế đạt 137,7 tỷ đồng, so với nửa đầu năm ngoái giảm 40,4%. Mục tiêu sau thuế của tập đoàn Lộc Trời năm 2022 đạt 400 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện được 34,5% kế hoạch.