Trong một năm, lợi nhuận của Fast Retailing đạt gần 300 tỷ yen (2 tỷ USD) nhờ vào nhu cầu trên thị trường quốc tế cùng với sự suy yếu của đồng yen.
Hoạt động kinh doanh đầy khởi sắc của Fast Retailing
Fast Retailing là công ty mẹ thương hiệu Uniqlo (Nhật Bản). Hôm nay, doanh nghiệp này công bố lợi nhuận hoạt động. Theo đó, trong 12 tháng tính đến hết tháng 8, lợi nhuận của doanh nghiệp này đạt 297,3 tỷ yen (2,02 tỷ USD).
Số liệu này vượt dự báo của giới phân tích và được ghi nhận là lớn nhất từ trước đến nay. Kỷ lục cũ của hãng được lập vào năm 2019, là 263 tỷ yen. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, mức lợi nhuận dừng 249 tỷ yen.
Lý do doanh thu của Fast Retailing tăng mạnh đó là nhờ vào thị trường quốc tế, đặc biệt ở khu vực Bắc Mỹ – nơi lần đầu có lợi nhuận năm. Do đồng yen gần đây mất giá nên doanh thu từ khu vực này khi đổi sang đồng yen càng được giá.
Xung đột Nga – Ukraine và đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc vẫn đang phủ bóng lên ngành thời trang toàn cầu, các thị trường như Bắc Mỹ và châu Âu là những khu vực có triển vọng tương đối ổn định. Do đó, hãng thời trang lớn nhất châu Á đang dần chuyển hướng tập trung sang các thị trường này.
Do chính sách Zero Covid mà tại thị trường Trung quốc, dù doanh thu của Fast Retailing tại Trung Quốc đại lục tăng nhẹ nhưng lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này lại giảm 17%.
Cổ phiếu Fast Retailing đã tăng 21%, mạnh hơn so với 8,9% của chỉ số Nikkei 225. Theo nhận định của Oshadhi Kumarasiri – nhà phân tích tại LightStream Research thì “các yếu tố giúp cổ phiếu Uniqlo không đi xuống là sức tăng trưởng tại Bắc Mỹ và đồng yen yếu”. Tuy nhiên vị này cũng cho rằng “những lợi thế này đang bị đe dọa vì rủi ro suy thoái toàn cầu và lạm phát”.
Theo dự kiến, năm tới, lợi nhuận hoạt động của hãng đạt 350 tỷ yen (tương đương 2,4 tỷ USD) với doanh thu ròng 2.650 tỷ yen. Lý do đến từ việc gia tăng nhu cầu quần áo giá rẻ tại Nhật Bản và đồng yen yếu, tiếp tục thúc đẩy khoản lợi nhuận từ nước ngoài.
Yen Nhật xuống thấp nhất 24 năm so với USD
Hiện tại, mỗi USD đổi được 146,86 yen. Đây là mức thấp nhất của yen kể từ năm 1998, thậm chí thấp hơn hồi tháng 9, khi mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã phải chi gần 20 tỷ USD để can thiệp. Đó cũng là lần đầu tiên trong 24 năm BOJ phải hỗ trợ đồng yen.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nói: “Chúng tôi phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ cho đến khi đạt mục tiêu lạm phát 2% ổn định và bền vững” trong sự kiện tại Viện Kinh tế Quốc tế Washington.
Theo Financial Times, đầu tuần này, bất chấp giá yen năm nay lao dốc, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng ra tín hiệu ủng hộ chính sách tiền tệ của BOJ.
Trong khi hầu hết các nước lớn đã nâng lãi để đối phó lạm phát và theo kịp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thì BOJ hiện vẫn đang là một trong số ít ngân hàng trung ương vẫn giữ mức lãi suất ở mức thấp kỷ lục.